4 thông tin về mảnh đất trong Sổ đỏ người mua phải nắm rõ Update 12/2024

Để được chuyển nhượng thì hầu hết các trường hợp phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng), thông qua đó người mua có thể biết rất nhiều thông tin mảnh đất như diện tích, hình dáng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất.

Tại trang 2 Giấy chứng nhận có rất nhiều thông tin mảnh đất nhưng có một số thông tin dưới đây mà người mua không thể bỏ qua, cụ thể:

1. Diện tích mảnh đất

Khoản 4 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định diện tích của thửa đất được ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị là mét vuông (m2) và được làm tròn số đến một chữ số thập phân (ví dụ 60,1m2, 100,5m2).

Căn cứ vào Giấy chứng nhận người mua sẽ biết được cụ thể diện tích thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.

Diện tích thửa đất rất quan trọng vì đó là căn cứ để tính số tiền chuyển nhượng; trong nhiều trường hợp các bên thỏa thuận số tiền chuyển nhượng tính theo diện tích trong Giấy chứng nhận nên diện tích quyết định tới số tiền phải trả.

Đồng thời khi người mua biết được diện tích trong Giấy chứng nhận sẽ đối chiếu được với diện tích trên thực tế.

2. Mục đích sử dụng của mảnh đất

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BNTMT, mục đích sử dụng đất được ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như sau:

– Nhóm đất nông nghiệp gồm các loại:

+ “Đất chuyên trồng lúa nước”.

+ “Đất trồng lúa nước còn lại”.

+ “Đất trồng lúa nương”.

+ “Đất trồng cây hàng năm khác”.

+ “Đất trồng cây lâu năm”.

+ “Đất rừng sản xuất”.

+ “Đất rừng phòng hộ”.

+ “Đất rừng đặc dụng”.

+ “Đất nuôi trồng thủy sản”.

+ “Đất làm muối”.

+ “Đất nông nghiệp khác”.

– Nhóm đất phi nông nghiệp gồm các loại:

+ “Đất ở tại nông thôn”.

+ “Đất ở tại đô thị”.

+ “Đất thương mại, dịch vụ”.

Xem thêm: Mục đích sử dụng đất được ghi trong Sổ đỏ thế nào?

Lưu ý:

– Thửa đất có nhiều mục đích sử dụng thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó; nếu có nhiều mục đích mà trong đó đã xác định mục đích chính, mục đích phụ thì tiếp sau mục đích chính phải ghi “(là chính)”.

– Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “Đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo.

thong tin manh dat

3. Thời hạn sử dụng của mảnh đất

Thời hạn sử dụng đất được chia thành hai loại gồm: Đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.

Trong một số trường hợp thời hạn sử dụng đất khác nhau sẽ dẫn tới quyền, nghĩa vụ khác nhau như phải làm thủ tục gia hạn hoặc có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhưng không được Nhà nước gia hạn thì sẽ bị thu hồi,… đồng thời, thời hạn sử dụng đất cũng phản ánh loại đất, mục đích sử dụng đất.

Khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về thời hạn sử dụng đất trong Giấy chứng nhận như sau:

Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi thời hạn theo quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất; nếu cấp Giấy chứng nhận theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất thì ghi thời hạn sử dụng được công nhận theo quy định pháp luật về đất đai.

Mặc dù có quy định như vậy nhưng trong Giấy chứng nhận thể hiện rõ thông tin thời hạn sử dụng đất như sau:

– Nếu đất sử dụng có thời hạn thì ghi “Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.

– Nếu thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi “Lâu dài”.

Hầu hết người dân khi nhận chuyển nhượng đều muốn nhận chuyển nhượng đất có thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận là “Lâu dài” vì thông thường đó là đất ở.

Lưu ý: Thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần diện tích thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): sử dụng đến ngày …/…/…(ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.

4. Hình thức sử dụng của mảnh đất

Hình thức sử dụng đất là thông tin rất quan trọng khi nhận chuyển nhượng; thông thường hình thức sử dụng đất đối thửa đất của hộ gia đình, cá nhân là sử dụng riêng (riêng của hộ gia đình, cá nhân đó), nhưng trong một số trường hợp có một phần diện tích là sử dụng chung.

Khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về hình thức sử dụng đất như sau:

– Toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của 01 người sử dụng đất (01 cá nhân hoặc 01 hộ gia đình, hai vợ chồng,…) thì hình thức sử dụng đất là “Sử dụng riêng”.

– Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì hình thức sử dụng đất được ghi là “Sử dụng chung”.

– Trường hợp thửa đất ở trong đó có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có hình thức sử dụng là sử dụng chung, sử dụng riêng với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng kèm theo; ghi “Sử dụng chung” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng chung kèm theo.

Ví dụ: “Sử dụng riêng: Đất ở 120m2, đất trồng cây hàng năm 300m2; Sử dụng chung: Đất ở 50m2, đất trồng cây lâu năm năm 200m2”.

Ngoài ra, khi xem Giấy chứng nhận người mua cũng biết được vị trí thửa đất, có nằm trong hành lang chỉ giới an toàn giao thông hoặc công trình công cộng khác hay không, xem được khoảng lùi xây dựng (nếu có),…

Trên đây là một số thông tin mảnh đất trong Sổ đỏ mà người mua phải nắm rõ khi trước khi đặt cọc, nhận chuyển nhượng. Ngoài ra, người mua cũng cần phải biết thông tin về quy hoạch, thế chấp, tranh chấp của thửa đất đó.

Nếu người dân gặp vướng mắc hãy gọi ngay tới LuatVietnam qua tổng đài 1900.6192.

>> Sang tên Sổ đỏ: Hồ sơ, thủ tục thế nào? Phải nộp bao nhiêu tiền?