Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân không thể thiếu của mỗi cá nhân, tuy nhiên, theo quy định không ít trường hợp căn cước công dân bị thu hồi, tạm giữ.
Trường hợp thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân
Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp:
– Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Căn cứ: Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014
Khi nào thẻ Căn cước công dân bị thu hồi tạm giữ? (Ảnh minh họa)
Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân
– Thu hồi căn cước công dân
Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp công dân bị thu hồi.
Việc thu hồi thẻ Căn cước công dân phải được lập biên bản, giao cho người bị thu hồi thẻ một bản và có sổ sách theo dõi; thẻ Căn cước công dân bị thu hồi được bảo quản và lưu giữ chung cùng hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại tàng thư căn cước công dân.
– Tạm giữ căn cước công dân
Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân.
Việc tạm giữ thẻ Căn cước công dân phải lập thành biên bản, giao cho người bị tạm giữ thẻ một bản và có sổ sách theo dõi.
Theo Điều 19 Nghị định 137/2015/NĐ-CP
>> Làm lại chứng minh thư – Tất tật hướng dẫn mới nhất
Hậu Nguyễn