Đây là cách hiểu của nhiều người trên tinh thần dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại Điều 59 mục 4 của dự thảo, trong các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, mức phạt đối với hành vi bạo lực về kinh tế được quy định như sau:
– Phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng;
– Phạt từ 20 – 30 triệu đối với một trong các hành vi: Chiếm đoạt tài sản riêng của thành vên gia đình; Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại…; Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Với quy định “không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng” đã dẫn đến cách hiểu rằng: Trong trường hợp vợ tịch thu hết lương của chồng, không cho chồng tiêu vào những mục đích chính đáng thì cũng sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu.
Cần lưu ý, Nghị định 167/2013/NĐ-CP đang áp dụng hiện nay quy định mức phạt đối với hành vi trên chỉ từ 300.000 – 500.000 đồng.
Vợ tịch thu hết lương của chồng, bị phạt đến 20 triệu?
Vậy, cách hiểu trên có đúng hay không? Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc hãng luật TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết:
Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng là tài sản được tạo ra, thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh… nên tiền lương của vợ, chồng cũng được coi là tài sản chung.
Nếu vợ thu giữ hết tiền lương của chồng, không cho chồng sử dụng tiền lương đó vào những mục đích chính đáng như: chi phí sinh hoạt, giỗ chạp, đám cưới… thì rất có thể sẽ coi là vi phạm quy định này và bị xử phạt.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư, đây sẽ là một điều luật rất khó áp dụng trên thực tế, bởi những lý do như sau: Sẽ hiếm có người chồng nào đứng lên tố cáo vợ mình để vợ bị xử phạt, nhất là khi tiền nộp phạt lại lấy từ tiền chung của vợ, chồng; Hoặc dù chồng có tố cáo thì bằng chứng để chứng minh “không cho sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng” cũng rất khó xác định, chưa kể cũng không có hướng dẫn cụ thể thế nào là mục đích chính đáng…
Dự thảo này hiện đang trong thời gian được lấy ý kiến, nếu được thông qua và có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Nếu có thắc mắc về các vấn đề pháp lý, bạn đọc có thể liên hệ: 1900.6192.