Từ 11/01/2021, ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, người dân được bắn pháo hoa trong nhiều trường hợp. Dẫu vậy, để đảm bảo an toàn, pháp luật cũng quản lý rất chặt chẽ độ tuổi, loại pháo, nơi mua pháo để đốt. Vậy, đốt pháo trái phép bị phạt như thế nào?
Ai được đốt pháo và được đốt những loại pháo nào?
Nghị định 36/2009/NĐ-CP có hiệu lực đến hết ngày 10/01/2021, đã quy định rất rõ ràng các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng, gồm:
1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.
3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.
4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Từ ngày 11/01/2021, quy định trên sẽ chính thức hết hiệu lực. Nghị định 137/2020 thay thế Nghị định 36 không còn quy định rõ ràng các loại pháo được phép sử dụng nữa mà tại Điều 9 chỉ quy định trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, gồm:
1. Pháo hoa, pháo hoa nổ được sử dụng theo quy định tại Điều 11 và Điều 17 Nghị định này.
2. Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.
Trong đó, Điều 11 quy định các tỉnh/thành nhất định được bắn pháo hoa trong các dịp: Tết Nguyên đán; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Quốc khánh; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Kỷ niệm ngày giải phóng; Ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
Điều 17 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Như vậy, Nghị định 137 chỉ cho phép cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (từ đủ 18 tuổi trở lên; không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) được sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp.
Theo cách giải thích của Nghị định này, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Còn pháo do các tỉnh bắn vào dịp Tết thực chất là pháo hoa nổ.
Theo đại diện Bộ Công an, pháo hoa khi đốt tạo ra ánh sáng, màu sắc, âm thanh chỉ xì xẹt mà không phát ra tiếng nổ như cây pháo dài một gang tay, nhỏ bằng ngón tay cái mà người dân thường dùng đốt, cắm trên bánh sinh nhật, hoặc loại tròn to bằng cổ tay và dài vài chục cm hay đốt trong đám cưới, tân gia hoặc lễ động thổ khai trương.
Còn pháo hoa nổ là loại pháo tạo ra tiếng rít và tiếng nổ, tạo hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Quy định này hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi vì các loại pháo sáng không gây tiếng nổ cũng có thể gây sát thương.
Vì thế, để quản lý chặt chẽ việc sử dụng pháo hoa, Nghị định 137 yêu cầu người dân chỉ được mua pháo hoa của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Đốt pháo trái phép bị phạt như thế nào? (Ảnh minh họa)
Đốt pháo trái phép bị phạt như thế nào?
Hiện nay, việc xử lý các vi phạm về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm được quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;
b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép.
….
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;
d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;
đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ.
…
Như vậy, khi đốt các loại pháo không được phép hoặc đốt pháo khi chưa đủ 18 tuổi, đốt pháo mua ở những nơi không được phép mua.., người dân có thể bị phạt đến 02 triệu đồng.
Ngoài ra, khi có pháo để đốt trái phép, hầu hết người mua sẽ vi phạm thêm quy định: tàng trữ, mua pháo, thuốc pháo… nên có thể bị xử phạt hành chính về hành vi này lên đến 10 triệu đồng nữa. Tổng hợp mức phạt lên đến 12 triệu đồng.
Về hình phạt bổ sung, người đốt pháo trái phép sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trên đây là mức phạt đối với hành vi đốt pháo trái phép. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.