Mức phạt với hành vi để rác sang nhà hàng xóm Update 11/2024

Ngoài vấn nạn xả rác bừa bãi, việc để rác sang nhà hàng xóm cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Một bộ phận người dân thiếu ý thức vẫn luôn thường xuyên có hành động này, dẫn đến việc mâu thuẫn giữa những người “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Bị phạt hành chính đến 02 triệu đồng

Hiện nay, mức phạt đối với vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung được quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Trong đó, khoản 2 Điều 7 Nghị định này quy định:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;

b) Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng;

c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;

d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, trường hợp để chất thải, chất bẩn (rác) làm bẩn nhà hàng xóm sẽ bị xử phạt hành chính đến 02 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

de rac sang nha hang xom co bi phat
Để rác sang nhà hàng xóm có bị phạt? (Ảnh minh họa)
 

Hàng xóm để rác sang nhà mình, người dân phải làm gì?

Theo quy định trên, đã có căn cứ rất rõ ràng để xử phạt những người thích vứt rác nhà mình sang nhà hàng xóm.

Vì thế, việc đầu tiên khi phát hiện hàng xóm để rác sang nhà mình, người dân cần nhắc nhở nhẹ nhàng.

Nếu họ cố tình chối cãi thì thu thập bằng chứng bằng cách lắp camera hay chụp ảnh hoặc đợi đúng lúc người đó thực hiện hành vi để nhắc nhở trực tiếp, đề nghị chấm dứt ngay việc để rác bừa bãi.

Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, người dân có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền kèm theo bằng chứng rõ ràng để được giải quyết.

Theo khoản 3 Điều 66 Nghị định 167, Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền đến 02 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo khoản 1 Điều 67, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 04 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Như vậy, 02 chức danh này hoàn toàn có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung.

Nếu còn vấn đề vướng mắc về mức phạt cũng như thủ tục khiếu nại về việc giữ gìn vệ sinh chung, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để hược hỗ trợ.