Thời hạn tạm giữ xe tối đa là bao nhiêu ngày? Update 10/2024

Hiện nay, rất nhiều lỗi vi phạm khiến phương tiện bị tạm giữ. Nếu không nắm được thời hạn tạm giữ xe tối đa là bao nhiêu ngày, rất có thể tài xế sẽ bị kéo dài thời gian này và phải mất thêm chi phí trông giữ phương tiện.

Vì sao phương tiện bị tạm giữ?

Theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc tạm giữ phương tiện chỉ được áp dụng trong 03 trường hợp thật cần thiết sau:

– Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;

– Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

– Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt với trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền nhưng cá nhân, tổ chức không có Giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ liên quan đến phương tiện để tạm giữ cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.

Vì thế, việc tạm giữ tang vật, phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

thoi-han-tam-giu-xe
Thời hạn tạm giữ xe tối đa là bao nhiêu ngày? (Ảnh minh họa)
 

Thời hạn tạm giữ xe tối đa là bao nhiêu ngày?

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày và chỉ áp dụng đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh.

Những quy định này cũng một lần nữa được khẳng định lại tại Điều 82 Nghị định 100 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
 

Quy trình tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính

Hiện nay, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Theo đó, quy trình tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được quy định như sau:

– Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì Thủ trưởng trực tiếp của Cảnh sát giao thông phải tạm giữ ngay phương tiện vi phạm hành chính;

– Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo Thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ.

Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ.

Theo quy định, mọi trường hợp tạm giữ phương tiện phải được lập thành biên bản.

Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.

Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản phương tiện đó. Trong trường hợp phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, nếu người vi phạm có tiền bảo lãnh thì có thể không bị tạm giữ phương tiện.

>> Những lỗi vi phạm bị tạm giữ xe theo Nghị định 100/2019