Kích thước giới hạn khi xếp hàng hóa trên xe và mức phạt vi phạm Update 11/2024

Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông phải theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe.

 

Khi xe chở hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện về chiều cao, chiều rộng và chiều dài dưới đây.

Chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

Hiện nay, chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 18 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT

– Đối với xe tải thùng hở có mui, chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được phê duyệt;

– Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe, phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 5 tấn trở: chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét;

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn: chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét;

+ Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 2,5 tấn: chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét.

+ Xe chuyên dùng và xe chở container: chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.

Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

Kích thước giới hạn xếp hàng hóa trên xe
Kích thước giới hạn xếp hàng hóa trên xe  (Ảnh minh họa)
 

Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

Theo Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt:

– Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo được phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ;

– Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe;

– Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.

– Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe.

Mức phạt đối với vi phạm về giới hạn xếp hàng hóa trên xe

Hiện nay, mức phạt đối với các phương tiện vi phạm về giới hạ xếp hàng hóa trên xe khi tham gia giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo Nghị định này:

– Xe máy xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng;

– Xe đạp xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định bị phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng;

– Xe do súc vật kéo xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng;

– Với xe ô tô tải, máy kéo chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe phạt tiền từ  600.000 – 800.000 đồng;

– Đối với xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng.

Tình Nguyễn