Tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là một phong tục lâu đời của người dân Việt. Thế nhưng, cũng trong chính dịp này lại xuất hiện nhiều trường hợp người dân xả rác bừa bãi, đặc biệt là vứt túi nilong xuống ao, hồ…
Thả cá chép, thả… luôn cả túi nilon (Ảnh minh họa)
Xả rác sau lễ cúng ông Công ông Táo bị xử phạt thế nào?
Pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 7 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ phạt từ 01 – 02 triệu đồng đối với các hành vi:
– Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;
– Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
Đáng chú ý, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường lại quy định mức phạt nghiêm khắc hơn lên đến 05 – 07 triệu đồng đối với hành vi: “Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị” (điểm đ, khoản 1 Điều 20).
Như vậy, nếu sau lễ cúng ông Công ông Táo, người dân vứt túi nilong, xả rác bừa bãi trên vỉa hè, ao hồ… rất có thể sẽ bị xử phạt theo các quy định nêu trên, với mức phạt lên đến 07 triệu đồng – bằng với mức lương tháng của nhiều người.
Dù có 02 Nghị định xử phạt về cùng một hành vi tương tự nhau nhưng được biết thông thường trên thực tế, quy định tại Nghị định 155 được áp dụng nhiều hơn vì có tính răn đe cao hơn.
>> TP. Hồ Chí Minh: Không phân loại rác bị phạt đến 20 triệu
Lan Vũ