Cấm sử dụng cụm từ “điều trị tận gốc” trong quảng cáo thuốc Update 01/2025

Có rất nhiều sản phẩm thuốc được quảng cáo với các cụm từ “điều trị tận gốc”, “yên tâm”, “không lo”, “chuyên trị”, “đảm bảo 100%”… Nhưng thực chất, đây là những thông tin không được sử dụng trong quảng cáo thuốc.

Ngoài việc không được vi phạm các hành vi cấm trong quảng cáo tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các tổ chức, cá nhân còn phải tuân thủ yêu cầu tại Điều 126 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, quy định về các thông tin, hình ảnh không được dùng trong quảng cáo thuốc, cụ thể:

24 từ, cụm từ cấm đưa vào quảng cáo thuốc

Các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc, tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định;… bị cấm sử dụng.

Bên cạnh đó, việc dùng các từ: “điều trị tận gốc”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao”, “đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “yên tâm”, “không lo”, “khỏi lo”, “khuyên dùng”, “hotline”, “điện thoại tư vấn” và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự cũng không được phép.

Cùng với những quy định trên, Điều 126 Nghị định 54/2017/NĐ-CP còn liệt kê các điều kiện khác khi quảng cáo thuốc, đó là việc cấm sử dụng: Danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân; Hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc…

Lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là nội dung bắt buộc phải có trong quảng cáo thuốc.

Cấm sử dụng cụm từ “điều trị tận gốc” trong quảng cáo thuốc (Ảnh minh họa)

Dùng tên thầy thuốc để quảng cáo thuốc, phạt đến 40 triệu đồng

Ngoài việc phải cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo, Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP còn quy định về mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo thuốc, cụ thể:

– Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng đối với hành vi không gửi văn bản thông báo kèm giấy tiếp nhận và nội dung quảng cáo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi quảng cáo thuốc trên đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình địa phương;

– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Quảng cáo thuốc không đúng với nội dung được xác nhận tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo thuốc theo tài liệu thông tin quảng cáo đã được xác nhận hết giá trị; quảng cáo thuốc khi chưa nộp hồ sơ đăng ký quảng cáo thuốc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

+ Quảng cáo thuốc thiếu một trong các tài liệu sau: Chỉ định, trừ các chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong, bệnh lây qua đường tình dục, bệnh ung thư, bệnh khối u, bệnh đái tháo đường hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự, chứng mất ngủ kinh niên và chỉ định mang tính kích dục; Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”;…

– Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc;

+ Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: Hình ảnh người bệnh; Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.

Trên đây là các quy định mới nhất về thông tin, hình ảnh không được dùng trong quảng cáo thuốc. Hiện nay, trên hệ thống LuatVietnam đã cập nhật đầy đủ các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực QUẢNG CÁO. Để tìm hiểu những hành vi bị cấm trong quảng cáo; yêu cầu về nội dung, điều kiện quảng cáo; quy cách quảng cáo trên băng rôn, biển hiệu, màn hình ngoài trời… quý khách hàng có thể tham khảo tại đây.

Xem thêm:

Khi nào được dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo?

Treo biển quảng cáo thế nào để không bị phạt?

Quảng cáo trên tivi: Chiếu quá 5 phút, phạt trăm triệu đồng

Lợi dụng hình ảnh “sao” Việt để quảng cáo, có thể bị phạt tù

Luật Quảng cáo: Tổng hợp những nội dung đáng chú ý nhất 2019

LuatVietnam