Nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi có phạm luật? Update 07/2025

Những tình huống nhặt được tài sản bị rơi, bị bỏ quên của người khác không hề hiếm gặp trong cuộc sống. Có những người tìm trả lại người đánh mất, nhưng cũng có những người vì vụ lợi mà âm thầm chiếm giữ tài sản này.

Nhặt được của rơi, trả người đánh mất là… đương nhiên

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì có hai hướng xử lý:

– Trường hợp biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó;

– Trường hợp không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, dù biết hay không biết địa chỉ của người đánh rơi, bỏ quên tài sản, dù tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị lớn hay nhỏ thì việc chiếm giữ, chiếm đoạt tài sản cũng được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi có phạm luật?

Nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi là phạm luật (Ảnh minh họa)

Nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi bị xử lý thế nào?

Người nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà cố ý không trao trả cho người đánh mất hoặc không giao nộp cho UBND cấp xã, Công an cấp xã sẽ bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

– Về hướng xử phạt hành chính:

Theo điểm e, khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó là do vi phạm pháp luật mà có…

– Về hướng xử lý hình sự:

Theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm khi có yêu cầu mà tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì mức phạt cao hơn: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nhận định về tình huống nhặt được của rơi, tạm thời bỏ túi dưới góc độ pháp luật. Quý khách hàng quan tâm có thể xem thêm thông tin liên quy định được quy định tại Bộ luật Dân sự tại đây.

LuatVietnam