Báo tin giả đến công an bị phạt thế nào? Update 01/2025

Báo tin giả đến công an làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chức năng và gây bức xúc tâm lý cho người thi hành công vụ. Thế nhưng, tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra.

Có rất nhiều trường hợp người dân báo tin giả hay còn gọi là trình báo sai sự thật với công an. Phổ biến nhất là gọi trêu đùa đến các đầu số 113, 114 để báo án, báo cháy; báo bị cướp, trộm để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản hoặc tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý…

Trước đây, đã từng có sự việc một người đàn ông ở Vũng Tàu đến cơ quan công an trình báo việc bị cướp chiếc xe máy Wave RSX nhưng sau đó, công an xác minh tin trình báo này không đúng sự thật, chiếc xe máy không hề bị cướp mà liên quan đến một vụ tai nạn giao thông và đang bị tạm giữ.

Mới đây nhất là một sự việc xảy ra ở Quảng Bình. Một phụ nữ 30 tuổi đã tự dựng chuyện mình bị bắt cóc và đòi tiền chuộc 10 tỷ đồng từ người chồng. Mục đích là để người nhà tưởng mình bị bắt cóc thật và không truy xét việc bỏ nhà đi trong thời gian dài.

Dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì, việc báo tin giả hay trình báo sai sự thật với cơ quan Nhà nước đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Báo tin giả đến công an bị phạt thế nào?

Báo tin giả hay trình báo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa)

Vậy, việc báo tin giả đến công an bị xử lý như thế nào?

Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, an toàn xã hội, hành vi “Báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.

Đáng chú ý, hành vi “Báo cháy giả” sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn rất nhiều. Cụ thể, tại điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng.

Trường hợp không cố ý báo tin giả, người thực hiện hành vi phải chứng minh được điều này với cơ quan công an để không bị xử phạt.

LuatVietnam