Tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ thực hiện từ ngày 01/01/2018 sẽ bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015…
Chỉ còn hơn 01 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Càng về cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo nổ càng diễn ra phức tạp hơn. Chỉ trong khoảng một tháng trở lại đây, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ.
Một lượng lớn pháo vừa được lực lượng chức năng thu giữ
Mới đây nhất, vào sáng ngày 03/01, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Đội CSGT số 5 (Phòng PC67 – Công an Thành phố Hà Nội) đã phát hiện một chiếc xe tải vận chuyển 57 hộp pháo và 10 cuộn pháo bánh. Được biết số pháo này đang trên đường vào nội thành để tiêu thụ. Trước đó, giữa tháng 12/2017, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện và bắt giữ một ô tô tải khi đang vận chuyển hàng trăm hộp pháo có tổng trọng lượng lên tới 543kg.
Theo tìm hiểu, đa phần số pháo bị phát hiện và bắt giữ đều ở dạng pháo nổ, có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Pháo thường ngụy trang bằng cách cho vào hộp, thùng hàng ghi nhãn hiệu các loại hàng hóa thông thường như hoa quả, quần áo,… Sau đó, bằng nhiều con đường khác nhau, pháo được đưa vào nội địa để tiêu thụ.
Tại Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là các mặt hàng có xu hướng gia tăng trong dịp Tết như chất nổ, pháo… Giao Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ trong dịp Tết; đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Luật Đầu tư năm 2014 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2016), kinh doanh pháo nổ được xếp vào nhóm ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Theo đó, mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ đều được coi là tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Gần Tết nhìn lại quy định về pháo nổ (Ảnh minh họa)
Căn cứ vào hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn 06/TANDTC-PC, những hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ thực hiện từ ngày 01/01/2017 đến ngày 01/01/2018 – ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 có hiệu lực thi hành, thì xử lý theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 1999 với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Những trường hợp phạm tội từ ngày 01/01/2018 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190, 191 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, Điều 190 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 – dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng – 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm. Trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 – dưới 120kg, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 – 10 năm. Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120kg trở lên sẽ bị phạt tù từ 08 – 15 năm…
Trong khi đó, Điều 191 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 – dưới 40kg, thì bị phạt tiền từ 50 triệu – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm; Vận chuyển pháo nổ có trọng lượng từ 40kg – dưới 120 kg thì bị phạt tiền từ 300 triệu – 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ từ 02 – 05 năm. Mức phạt tù cao nhất được quy định tại Điều này là phạt tù từ 05 – 10 năm trong trường hợp tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 120kg trở lên…
Ngoài ra, BLHS mới cũng bổ sung thêm mức xử phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội này.
Để tìm hiểu thêm về các quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:
Luật Đầu tư của Quốc hội, số 67/2014/QH13
Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội
Bộ luật Hình sự của Quốc hội, số 100/2015/QH13
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, số 12/2017/QH14