Hai vợ chồng làm giả thực phẩm chức năng lấy nhãn hiệu nước ngoài Update 01/2025

Đôi vợ chồng tại Quy Nhơn thuê người về sản xuất, đóng gói, dán tem, nhãn cho các sản phẩm chức năng giả rồi mang đi tiêu thụ đã bị phát hiện mới đây…

Ngày 19/07, CSĐT CA tỉnh Bình Định đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Dương Ngọc Long và vợ là Đặng Thị Bình Ngọc cùng ngụ tại TP Quy Nhơn, Bình Định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Trước đó, kiểm tra cơ sở của vợ chồng Long tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, lực lương chức năng phát hiện 7 công nhân tại đây đang đóng gói, dán tem, nhãn cho các loại sản phẩm chức năng giả dưới dạng viên nhộng. Các sản phẩm giả bao gồm: bột nấm tăng cân, giảm cân, thuốc tăng cân dạng viên nhộng mang nhãn hiệu nước ngoài và một số giả nhãn hiệu mặt hàng đăng ký kinh doanh của một công ty tại Đồng Nai. Nhiều hàng hóa, máy móc và nguyên liệu cũng đã được thu giữ.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng ở Việt Nam khá cao. Không chỉ sử dụng những sản phẩm có xuất xứ trong nước mà nhiều người còn sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm thực phẩm chức năng ngoại. Thống kê tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 60-70% người dân sử dụng thực phẩm chức năng. Nắm bắt nhu cầu lớn của thị trường, nhiều cá nhân đã tổ chức sản xuất, làm giả thực phẩm chức năng để trục lợi. Những năm gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ sản xuất, làm giả thực phẩm chức năng các nhãn hiệu cũng như thu giữ số lượng lớn sản phẩm liên quan. 

Hình ảnh minh họa

Thực phẩm chức năng giả mang đến tác hại khôn lường cho người sử dụng. Theo các chuyên gia y tế, sử dụng thực phẩm chức năng giả, người dùng có thể bị các tổn thương về gan, thận, thần kinh… Các thành phần có hại trong thực phẩm chức năng giả tích lũy lâu trong cơ thể có thể khiến các tế bào bị biến đổi, làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan, gây ngộ độc hoặc thậm chí là tử vong.

Những đối tượng có hành vi buôn bán, sản xuất thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả thì tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài bị phạt tiền, những đối tượng thực hiện hành vi này còn buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường…

Trong khi đó, Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh như sau: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02-07 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05-12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng… Phạm tội gây hậu quả nghiêm trong thì bị phạt từ từ 12-20 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm thực phẩm chức năng giả được bày bán khá nhiều và người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được. Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe con người, các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh giả…

Để tìm hiểu rõ hơn về các quy định được nêu trong bài, bạn đọc tham khảo những văn bản sau:

Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội