Việc để người khác thay mặt đại diện thực hiện công việc là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống và Giấy ủy quyền là một trong những hình thức để xác lập quyền đại diện. Vậy Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp?
Bản chất của Giấy ủy quyền chính là một giao dịch dân sự, do đó, Giấy ủy quyền có giá trị pháp lý khi đáp ứng 02 điều kiện chính, đó là về nội dung và hình thức.
Điều kiện về nội dung Giấy ủy quyền
Giấy ủy quyền cần đảm bảo các nội dung ủy quyền không được trái với các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015:
– Bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử;
– Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận;
– Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
– Xác lập, thực hiện, chấm dứt ủy quyền một cách thiện chí, trung thực;
– Không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;
– Các bên phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Giấy ủy quyền như thế nào là hợp pháp? (Ảnh minh họa)
Hình thức của Giấy ủy quyền
Trước đây, tại khoản 2 Điều 142 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
Tuy nhiên, đến khi Bộ luật Dân sự 2015 ra đời, vấn đề hình thức ủy quyền không được nêu ra, việc ủy quyền thế nào, bằng hình thức gì do luật chuyên ngành điều chỉnh.
Bên cạnh đó, cũng xin nói rõ, cả Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 đều không có điều khoản hay quy định cụ thể nào về hình thức Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, Giấy ủy quyền lại được ghi nhận tại nhiều văn bản khác, điển hình như:
– Tại khoản 1 Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền
– Tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe:
Người được ủy quyền đến đăng ký xe phải xuất trình Chứng minh nhân dân của mình; nộp giấy ủy quyền có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.
Hình thức của Giấy ủy quyền có thể theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào quy định tập trung về hình thức của Giấy ủy quyền.
Trong một số trường hợp yêu cầu ủy quyền phải lập thành văn bản và có cả trường hợp yêu cầu văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực như:
Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực (Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP).
Như vậy, tùy từng trường hợp mà Giấy ủy quyền phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.
>> Tổng hợp các trường hợp ủy quyền phải lập thành văn bản
Hậu Nguyễn