Bằng đại học hiện nay đều được thể hiện dưới hình thức 01 bên tiếng Việt, 01 bên tiếng Anh. Theo đó, bằng đại học có phải là văn bản song ngữ không và cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực bằng đại học?
Giấy tờ, văn bản song ngữ là gì?
Để xác định thẩm quyền chứng thực bằng đại học thì trước tiên cần xác định bằng đại học có phải là văn bản song ngữ không. Theo tinh thần của Bộ Tư pháp tại Công văn 9277/BTP-HCTP thì:
– “Giấy tờ, văn bản song ngữ” là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, trong đó có một ngôn ngữ là tiếng Việt.
– “Giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt” là giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng Việt hoặc giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt nhưng có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài như tên riêng, tên địa danh hoặc từ khác mà không thể thay thế bằng tiếng Việt và việc xen một số từ bằng tiếng nước ngoài không làm thay đổi nội dung của giấy tờ, văn bản đó.
– “Giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài” là giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng nước ngoài hoặc giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài nhưng có xen một số từ tiếng Việt như tên riêng, tên địa danh hoặc từ khác mà không thể thay thế bằng tiếng nước ngoài và việc xen một số từ bằng tiếng Việt không làm thay đổi nội dung của giấy tờ, văn bản đó.
Theo đó, những văn bằng, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp có xen thêm tiếng nước ngoài mà không thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ (ví dụ: Bằng tốt nghiệp Đại học do các trường Đại học của Việt Nam cấp) thì không được coi là giấy tờ, văn bản song ngữ.
Chứng thực bằng đại học phải đến Phòng Tư pháp? (Ảnh minh họa)
Thẩm quyền chứng thực bằng đại học
Theo quy định nêu trên, bằng tốt nghiệp đại học do các trường đại học của Việt Nam cấp với 01 bên là tiếng Anh, 01 bên là tiếng Việt nhưng chỉ có 01 chữ ký, đóng dấu của trường đại học Việt Nam thì đó không phải là văn bản song ngữ.
Theo đó, điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 23/2015 quy định các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chứng thực chữ ký gồm:
- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Công chứng viên.
Thêm vào đó, Công văn 3086/HTQTCT-CT ngày 13/6/2014, cũng nêu rõ:
Khi có yêu cầu chứng thực các loại giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp có xen thêm tiếng nước ngoài mà không thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, người dân có quyền lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp hoặc UBND cấp xã (nếu thấy nơi nào thuận tiện thì lựa chon).
Như vậy, việc chứng thực bằng đại học có thể được thực hiện tại Phòng Tư pháp, UBND cấp xã, Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng miễn sao thuận tiện cho người yêu cầu chứng thực.
>> Vì sao xác nhận Sơ yếu lý lịch không cần về nơi thường trú?
Hậu Nguyễn