UBND xã có được chứng thực Bản án không? Update 01/2025

Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã là một trong những cơ quan có thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản. Vậy UBND xã có được chứng thực Bản án hay không?

Thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015, UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất như: Chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất;

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở;

– Chứng thực di chúc;

– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;

– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là bất động sản.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã.

UBND xã có được chứng thực bản án không

UBND xã có được chứng thực Bản án không? (Ảnh minh họa)
 

UBND xã được chứng thực Bản án?

Theo đó, UBND xã có trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt nam cấp hoặc chứng nhận. Tuy nhiên việc UBND xã có được chứng thực Bản án hay không vẫn chưa được quy định cụ thể.

Hiện nay, tồn tại 02 quan điểm về vấn đề này, cụ thể:

1- Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao đúng với bản chính. (khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015). Do đó, UBND cấp xã hoàn toàn có thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện chứng thực Bản án.

2- Bản án được hiểu là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án do Tòa án cấp, mang tính chất đặc thù. Bởi vậy cần căn cứ vào pháp luật tố tụng chuyên ngành.

Mà theo Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án. Như vậy, chỉ Tòa án được cấp Bản án dưới hình thức trích lục.

Theo thực tế, Tòa án thường từ chối Bản án chứng thực và yêu cầu phải cung cấp Bản án trích lục.

Kết luận: Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên để tránh rắc rối không cần thiết, người dân nên cung cấp Bản án trích lục của Tòa án.

>> Chứng thực là gì? Giá trị pháp lý của văn bản chứng thực

Hậu Nguyễn