Vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Vậy văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng phải công chứng không?
Phải công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung?
Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Theo đó, vấn đề công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng được chia thành 2 trường hợp:
– Khi vợ chồng có yêu cầu;
– Khi quy định pháp luật bắt buộc công chứng.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng đều phải công chứng.
Xem thêm: Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thế nào?
Lưu ý: Tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký, việc chia tài sản chung vợ chồng chỉ có hiệu lực khi tài sản được đăng ký.
Do đó, trường hợp tài sản chung là bất động sản, động sản phải đăng ký, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng buộc phải công chứng, chứng thực.
Thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng phải công chứng? (Ảnh minh họa)
Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung
Bước 1: Người yêu cầu công chứng chuẩn bị hồ sơ và nộp trực tiếp tại Văn phòng công chứng
Hồ sơ gồm:
– Phiếu yêu cầu công chứng (Văn phòng công chứng có sẵn mẫu);
– Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam/Hộ chiếu của các bên tham gia giao dịch;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;
– Bản sao một số giấy tờ khác:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
+ Sổ hộ khẩu
– Dự thảo văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (đối với trường hợp văn bản được người yêu cầu công chứng soạn sẵn)
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
– Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng;
– Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ: Công chứng viên ghi phiếu hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;
– Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Soạn thảo và ký văn bản
– Văn bản đã được người yêu cầu công chứng soạn sẵn: Công chứng viên kiểm tra dự thảo văn bản, nếu dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội… Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa.
Nếu người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng;
– Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng:
+ Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo Văn bản hoặc Công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng.
Người yêu cầu công chứng có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung.
+ Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong dự thảo văn bản, Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của văn bản.
Bước 4: Ký chứng nhận
Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.
Bước 5: Nộp phí công chứng và nhận kết quả
Hậu Nguyễn