Công chứng là gì? Vì sao phải công chứng? Update 01/2025

Công chứng thường được mọi người nhắc đến khi làm thủ tục giấy tờ, tuy nhiên, công chứng được dùng lẫn lộn với chứng thực. Thực chất công chứng là gì?

Công chứng là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:

– Tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản;

– Tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

 
Công chứng là gì? Vì sao phải công chứng?
Công chứng là gì? Công chứng ở đâu? (Ảnh minh họa)
 

Công chứng ở đâu?

Theo quy định trên, công chứng do công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Có 2 hình thức tổ chức hành nghề công chứng là: Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.

Phòng công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, trực thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng – công chứng viên, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm.

Văn phòng công chứng phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng phòng – là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

Như vậy, việc công chứng giấy tờ được thực hiện tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

Vì sao phải công chứng?

Theo quy định của pháp luật, có một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng. Trong các trường hợp các bên không thực hiện công chứng, hợp đồng đó được coi là vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Thông thường, các giao dịch liên quan đến bất động sản như mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn… đều phải công chứng.

Việc công chứng không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý mà trên phương diện kinh tế, còn giúp các bên hạn chế được những rủi ro từ những hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại không được công chứng.

Xem thêm:

Phân biệt công chứng và chứng thực

Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng

Luật Công chứng: 8 điểm đáng chú ý nhất

Phân biệt vi bằng và văn bản công chứng

3 lưu ý khi công chứng mua bán nhà đất

Hậu Nguyễn