Luật Cư trú năm 2020 sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 01/7/2021 với nhiều quy định mới ảnh hưởng đến mọi người dân. Đáng chú ý, có thể kể đến việc bổ sung nhiều trường hợp bị xóa thường trú hay còn gọi là xóa hộ khẩu mà nhiều người rất dễ mắc phải.
Điều 24 Luật Cư trú đã liệt kê hàng loạt các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú từ ngày 01/7/2021. Trong số đó có 02 trường hợp phổ biến dễ bị xóa hộ khẩu nhất mà người dân cần lưu ý nhất, gồm:
1. Bán nhà cho người khác
Thực tế, không ít người mặc dù đã bán nhà nhưng vẫn không đăng ký thường trú tại chỗ ở mới với nhiều lý do như: chuyển hộ khẩu có thể ảnh hưởng đến việc học tập của con hoặc làm các thủ tục hành chính,…
Với trường hợp này, điểm h khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú quy định như sau:
h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;
Theo đó, trường hợp đã đăng ký thường trú tại nhà thuộc quyền sở hữu của mình nhưng sau đó lại bán nhà cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó thì người chủ cũ sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Dù vậy, người dân đã bán nhà vẫn có thể có hộ khẩu nếu thực hiện một trong các cách sau:
– Thỏa thuận với chủ sở hữu mới của ngôi nhà, cho phép tiếp tục giữ đăng ký thường trú tại địa chỉ đó sau khi bán nhà.
– Thỏa thuận với chủ sở hữu mới của ngôi nhà về việc cho thuê, mượn hoặc ở nhờ; đồng thời cho phép tiếp tục đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
– Đăng ký thường trú tại chỗ ở mới nếu như đáp ứng đủ điều kiện.
Xem thêm: Cách để không bị xóa hộ khẩu sau khi bán nhà
2. Không đăng ký tạm trú – khai báo tạm vắng
Ở các thành phố hiện nay có một số lượng lớn người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, học tập và làm việc. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người trong số họ không đi làm thủ tục đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc khai báo tạm vắng tại chỗ ở cũ, dù đây là các thủ tục bắt buộc.
Để hạn chế tình trạng này, điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020 đã nêu rõ:
d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
Như vậy, người dân đã rời khỏi nơi đăng ký thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống và làm việc hoặc khai báo tạm vắng tại nơi đã đăng ký thường trú sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Do đó, nếu thuộc trường hợp trên, người dân cần thực hiện ngay việc đăng ký tạm trú hoặc khai báo tạm vắng nếu không muốn bị xóa hộ khẩu.
Cũng theo quy định mới, từ ngày 01/7/2021, việc thực hiện đăng ký tạm trú và khai báo tạm vắng cũng trở nên khá dễ dàng.
– Đăng ký tạm trú: Theo một trong các hình thức:
+ Đăng ký trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú (Chi tiết, hồ sơ thủ tục đăng ký tạm trú).
+ Đăng ký qua cổng dịch vụ công quốc gia: https://dichvucong.gov.vn
– Khai báo tạm vắng: Theo một trong các cách sau:
+ Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
+ Số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
+ Trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
+ Ứng dụng trên thiết bị điện tử.
(Căn cứ: Khoản 1 Điều 16 Thông tư 55/2021/TT-BCA)
Trên đây là thông tin về 2 trường hợp dễ bị xóa hộ khẩu nhất từ 01/7/2021 và cách khắc phục. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?