Hiểu Sổ đỏ, Sổ hồng thế nào mới đúng?
Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất dựa theo màu sắc. Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà có tên gọi pháp lý khác nhau:
Màu sắc |
Tên gọi pháp lý |
Cơ quan ban hành mẫu |
Trước ngày 10/12/2009 |
||
Màu hồng |
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (mẫu Sổ hồng cũ) |
Bộ Xây dựng |
Màu đỏ |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Từ ngày 10/12/2009 đến nay |
||
Màu hồng cánh sen |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mẫu Sổ hồng mới) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Như vậy, Sổ hồng có 02 loại: Sổ hồng cũ (được cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới áp dụng từ ngày 10/12/2009 đến nay (đây là mẫu Giấy chứng nhận áp dụng chung trong cả nước để chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Sổ đỏ chỉ có 01 loại, được sử dụng để chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện nay mẫu này không được cấp mới).
Lưu ý: Trong các bài viết của LuatVietnam vẫn thường sử dụng thuật ngữ “Sổ đỏ” vì đây là cách gọi phổ biến nhất của người dân.
Bắt buộc đổi Sổ đỏ sang Sổ hồng? (Ảnh minh họa)
Không bắt buộc đổi Sổ đỏ sang Sổ hồng
Theo khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không bắt buộc cấp đổi Giấy chứng nhận. Tại khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định rõ các trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận:
“a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;
d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”.
Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cấp đổi Sổ đỏ
Không cấp đổi sang Sổ hồng có sao không?
Nếu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không yêu cầu cấp đổi thì Giấy chứng nhận vẫn có giá trị pháp lý. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Kết luận: Không bắt buộc đổi Sổ đỏ sang Sổ hồng mới, nếu không cấp đổi thì vẫn có giá trị pháp lý. Loại sổ nào không quan trọng bằng việc sổ đó ghi nhận loại đất gì, thửa đất tại đô thị hay nông thôn, diện tích bao nhiêu hoặc giá trị nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu.
Nếu có vướng mắc về đất đai – nhà ở, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>> Chuyển từ CMND sang CCCD có bắt buộc sửa thông tin Sổ đỏ?