Không nộp tạm ứng án phí bị trả lại đơn khởi kiện
* Thời hạn nộp tạm ứng án phí
Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thụ lý vụ án như sau:
“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo”
Như vậy, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai; nếu quá thời hạn 07 ngày mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện, trừ trường hợp có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.
* Ai phải nộp tạm ứng án phí, án phí?
– Nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí: Khi nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai thì nguyên đơn phải nộp tạm ứng án phí sơ thẩm (theo khoản 1 Điều 25 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
– Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận. Hay nói cách khác, nếu thắng kiện thì bị đơn (người bị kiện) phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
Cách tính án phí tranh chấp đất đai (Ảnh minh họa)
Mức án phí và tạm ứng án phí
Theo khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch (án phí là 300.000 đồng).
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Căn cứ Điều 7 và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức tạm ứng án phí và án phí sơ thẩm đối với vụ án có giá ngạch tính như sau:
TT |
Giá trị tài sản tranh chấp |
Mức án phí |
Tạm ứng án phí |
Án phí sơ thẩm |
|||
1 |
Từ 06 triệu đồng trở xuống |
300.000 đồng |
|
2 |
Từ trên 06 – 400 triệu đồng |
5% giá trị tài sản có tranh chấp. |
Bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch. |
3 |
Từ trên 400 – 800 triệu đồng |
20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng. |
|
4 |
Từ trên 800 triệu đồng – 02 tỷ đồng |
36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng. |
|
5 |
Từ trên 02 – 04 tỷ đồng |
72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng. |
|
6 |
Từ trên 04 tỷ đồng |
112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng. |
|
Án phí phúc thẩm |
|||
– |
– |
300.000 đồng |
300.000 đồng |
Ví dụ: Thửa đất tranh chấp có giá trị là 01 tỷ đồng thì mức án phí bằng 36 triệu đồng + (3% x 200 triệu đồng) = 42 triệu đồng án phí; tiền tạm ứng phí phải nộp là 21 triệu đồng.
Kết luận: Ngoài mức tạm ứng án phí và án phí tranh chấp đất đai được tính theo cách trên thì khi khởi kiện sẽ mất thêm chi phí tư vấn, thuê luật sư (nếu có).