Nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ bảo hiểm xã hội? Update 01/2025

Khi người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp phải chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) và trả lại cho người đó. Đây là căn cứ quan trọng để cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động. Vậy một người đã nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ BHXH?

Nghỉ việc bao lâu thì được trả sổ BHXH?

Theo quy định hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho người lao động tự mình quản lý và bảo quản. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết trường hợp đều do người sử dụng lao động giữ sổ BHXH. Vậy khi nghỉ việc, sau bao lâu người sử dụng lao động sẽ trả lại sổ BHXH?

Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

Bên cạnh, khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 cũng khẳng định, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, các quy định trên đã ghi nhận trách nhiệm của doanh nghiệp khi người lao động nghỉ việc là phải chốt sổ BHXH và trả lại cho họ, nhưng lại không nêu rõ thời hạn cụ thể mà doanh nghiệp phải thực hiện việc này.

Nếu thực hiện đúng thủ tục báo giảm lao động và chốt sổ cho người lao động, doanh nghiệp chỉ mất 15 ngày để hoàn thành việc xác nhận thời gian đóng BHXH và trả lại sổ cho người lao động.

Đồng nghĩa với đó, nếu doanh nghiệp hợp tác và tạo điều kiện để nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho người lao động thì chỉ cần 15 ngày kể từ ngày nghỉ việc là người lao động có thể lấy lại sổ BHXH.

Nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ BHXH? (Ảnh minh họa)

Nghỉ việc đã nhiều năm, có lấy lại được sổ BHXH?

Không hiếm trường hợp người lao động đã nghỉ việc nhiều năm nhưng vẫn chưa lấy sổ BHXH. Sau này, khi muốn giải quyết các chế độ liên quan đến BHXH, nhiều người mới “tá hỏa” nhận ra mình chưa chốt sổ ở công ty cũ và cũng không có sổ BHXH trong tay.

Trường hợp này người lao động vẫn có thể lấy lại sổ BHXH bằng các cách sau: 

* Trường hợp công ty cũ vẫn còn tồn tại:

Người lao động phải quay lại công ty cũ yêu cầu họ chốt sổ BHXH và trả lại sổ cho mình, bởi đây là trách nhiệm của họ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động.

Nếu công ty cũ cố tình không thực hiện thực hiện, bạn có thể khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính để yêu cầu giải quyết theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Thậm chí, theo điểm d khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp này người lao động còn có thể trực tiếp khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại quyền lợi cho mình.

* Trường hợp công ty cũ đã chấm dứt hoạt động:

Trường hợp công ty cũ bị giải thể hoặc phá sản, nhưng đã chốt sổ BHXH cho người lao động thì người này có thể làm thủ tục cấp lại sổ BHXH do bị mất để lấy lại sổ BHXH theo quy định tại Điều 27, Điều 29 và Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH:

– Hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

– Nơi nộp: Cơ quan BHXH nơi mà trước đó người lao động tham gia.

– Thời gian giải quyết: Không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ.

Trường hợp công ty cũ đã chấm dứt hoạt động mà chưa chốt sổ BHXH, người lao động có thể liên hệ với cơ quan BHXH trước đây tham gia BHXH để yêu cầu xác nhận thời gian tham gia BHXH đến thời điểm công ty đã đóng đủ BHXH.

Xem thêm: Công ty phá sản làm thế nào để chốt và chuyển sổ bảo hiểm?

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ BHXH không. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Sổ bảo hiểm xã hội: 10 điều người lao động cần biết