Không ít lao động nữ vẫn thắc mắc trong khoảng thời gian nghỉ thai sản có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không, thời gian nghỉ thai sản có được tính vào thời gian đóng BHXH. Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho những câu hỏi đó
Đóng BHXH trong thời gian nghỉ thai sản?
Theo điểm 1.8 khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH, việc đóng BHXH trong thời gian nghỉ thai sản như sau:
1.8. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định, thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, ngoại trừ trường hợp người lao động nghỉ việc trước khi sinh còn lại các trường hợp người lao động nghỉ thai sản khác đều được tính là thời gian tham gia BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Nghỉ thai sản có phải đóng BHXH? (Ảnh minh họa)
Mức hưởng chế độ thai sản
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội mới nhất, mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Cụ thể, cách tính được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc.
Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
– Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Xem thêm:
Tiền thai sản năm 2019 sẽ thay đổi thế nào?
Tất tật những khoản tiền lao động nữ nhận được khi sinh con
Không phải cứ đóng bảo hiểm là được hưởng chế độ thai sản!
Có được nghỉ phép năm ngay sau khi nghỉ thai sản?
LuatVietnam