Viên chức sau khi trúng tuyển phải trải qua thời gian tập sự để tập làm quen với công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Dưới đây là tổng hợp các quy định quan trọng liên quan đến viên chức tập sự.
1. Chế độ tập sự của viên chức là gì?
Chế độ tập sự được định nghĩa cụ thể tại Điều 2 Nghị định 29/2012/NĐ-CP:
Chế độ tập sự là các quy định liên quan đến quá trình người được tuyển dụng vào viên chức làm quen với môi trường công tác và tập làm những công việc của vị trí việc làm gắn liền với chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm trong hợp đồng làm việc
Theo đó, các công việc cụ thể mà viên chức tập sự phải làm được nêu tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 29 nêu trên:
– Nắm vững quy định về quyền, nghĩa vụ của viên chức; những việc viên chức không được làm; chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm được tuyển dụng…
– Trau dồi kiến thức và rèn luyện năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;
– Tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Đồng thời, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ cử người hướng dẫn viên chức tập sự nắm vững và tập làm những công việc theo yêu cầu nêu trên.
Người này có chức danh nghề nghiệp bằng hoặc cao hơn người tập sự, có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ và có trách nhiệm nhận xét, đánh giá kết quả tập sự bằng văn bản.
Đặc biệt: Người hướng dẫn có thể được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu hiện nay. Ngoài ra, người hướng dẫn và người tập sự còn được hưởng tiền thưởng và phúc lợi khác (nếu có) theo quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập…
2. Có bắt buộc mọi người đều phải tập sự không?
Theo quy định tại Điều 27 Luật Viên chức năm 2010, người trúng tuyển vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự ngoại trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Cụ thể, Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV có nêu rõ người trúng tuyển được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đồng thời các điều kiện sau:
– Đã có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên (bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự);
– Đã làm công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Như vậy, theo quy định trên, không phải mọi trường hợp đều phải thực hiện chế độ tập sự.
3. Viên chức phải tập sự đến 12 tháng?
Mặc dù không phải trường hợp nào cũng tập sự nhưng nếu tập sự thì viên chức phải tập sự thì thực hiện trong khoảng thời gian nêu tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP như sau:
– 12 tháng: Người có yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn đại học. Riêng với nghề bác sĩ thì số thời gian tập sự gồm 09 tháng;
– 09 tháng: Người có yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;
– 06 tháng: Người có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ trung cấp.
Đặc biệt, thời gian nghỉ sinh con, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không lương, bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác…không tính vào thời gian tập sự. Do đó, nếu thuộc các trường hợp nêu trên, viên chức tập sự sẽ không phải tập sự lại.
5 quy định nổi bật liên quan đến mọi viên chức tập sự (Ảnh minh họa)
4. Khi nào viên chức được hưởng 100% lương?
Bởi tập sự chỉ là bước đệm giúp viên chức quen thuộc với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp nên viên chức tập sự sẽ không được hưởng 100% lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng. Cụ thể mức lương tương ứng với chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 22 Nghị định 29 năm 2012:
– Trường hợp bình thường: Hưởng 85% lương;
– Có trình độ thạc sĩ: Hưởng 85% mức lương bậc 2;
– Có trình độ tiến sĩ: hưởng 85% mức lương bậc 3.
Dù vậy, vẫn có 03 trường hợp, người tập sự được hưởng 100% lương và phụ cấp cho vị trí đó:
– Làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn;
– Làm việc trong các ngành, nghề độc hại, nguy hiểm…
Như vậy, thông thường viên chức tập sự chỉ được hưởng 85% mức lương của vị trí việc làm. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp như đã nêu ở trên, viên chức sẽ được hưởng 100% mức lương của vị trí việc làm.
5. Khi nào viên chức tập sự không được tuyển dụng?
Điều 24 Nghị định 29 nêu các trường hợp chấm dứt hợp đồng làm việc liên quan đến người tập sự:
– Khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự;
– Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Khi người tập sự bị cho nghỉ việc thì nếu làm từ 06 tháng trở lên, có thể được hỗ trợ 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.
Đáng nói, mặc dù việc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức tập sự không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự đã được quy định tại Nghị định 29. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được Luật hóa.
Do đó, để đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, quy định này đã được Luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019 sắp có hiệu lực từ 01/7/2020 tới đây.
Trên đây là tổng hợp những quy định liên quan đến viên chức tập sự mà người nào có nguyện vọng dự tuyển viên chức nên nắm rõ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
>> 5 điểm mới về hợp đồng làm việc của viên chức từ 01/7/2020
Nguyễn Hương