Phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng được tính thế nào? Update 12/2024

Giáo viên hợp đồng ngoài hưởng lương chính thức còn được hưởng phụ cấp đứng lớp. Vậy phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng được tính thế nào?

Cách tính phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng

Theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, chế độ phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên tực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập (hay còn gọi là phụ cấp đứng lớp) được áp dụng cho cả giáo viên hợp đồng.

Cách tính phụ cấp ưu đãi của giáo viên được quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 01, cụ thể:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)]  x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Theo đó, tỷ lệ phụ cấp ưu đãi được quy định như sau:

– Mức 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị –  xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(Trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh)

– Mức 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại:

+ Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

+ Trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Mức 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại:

+ Các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

+ Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

– Mức 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học), trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề.

– Mức 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.

– Mức 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

phu cap dung lop cua giao vien hop dong
Phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng (Ảnh minh họa)

 

Các trường hợp không được hưởng phụ cấp đứng lớp

Theo điểm b khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, giáo viên không được tính hưởng phụ cấp đứng lớp trong các thời gian sau:

– Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

– Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ  01 tháng trở lên;

– Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;

– Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

Như vậy, trong thời gian không tham gia giảng dạy, giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Trên đây là quy định về phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Lương, phụ cấp giáo viên thấp hơn mức hỗ trợ sinh viên sư phạm?