Nam, nữ khi kết hôn sẽ phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp giấy đăng ký kết hôn. Vậy khi làm đăng ký kết hôn cần phải chuẩn bị những gì? Sau bao lâu sẽ được cấp?
- 1/ Giấy chứng nhận kết hôn là gì? Gồm những thông tin gì?
- 2/ Giấy đăng ký kết hôn khi nào có hiệu lực?
- 3/ Điều kiện cấp giấy đăng ký kết hôn
- 4/ Cần chuẩn bị gì để làm giấy đăng ký kết hôn?
- 5/ Cơ quan nào cấp giấy đăng ký kết hôn?
- 6/ Vợ chồng được cấp mấy bản giấy đăng ký kết hôn?
- 7/ Thời gian cấp giấy đăng ký kết hôn là bao lâu?
- 8/ Làm đăng ký kết hôn hết bao nhiêu tiền?
1/ Giấy chứng nhận kết hôn là gì? Gồm những thông tin gì?
Khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:
Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này
Theo đó, giấy này gồm các nội dung cơ bản sau đây:
– Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
– Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
– Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Như vậy, giấy chứng nhận kết hôn hay còn gọi là đăng ký kết hôn là giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp để công nhận quan hệ hôn nhân và gia đình giữa nam và nữ.
Mẫu giấy đăng ký kết hôn do Bộ Tư pháp ban hành kèm Thông tư số 15/2015/TT-BTP.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 18 Thông tư này, cơ quan đăng ký hộ tịch đã ứng dụng công nghệ thông tin, có phần mềm đăng ký hộ tịch bảo đảm việc in nội dung thông tin hộ tịch theo đúng tiêu chuẩn về kích thước, chi tiết kỹ thuật và được Bộ Tư pháp công nhận thì được cung cấp phôi để tự in.
2/ Giấy đăng ký kết hôn khi nào có hiệu lực?
Khoản 2 Điều 18 Luật Hộ tịch quy định, nam, nữ được trao giấy chứng nhận kết hôn ngay sau khi nhận đủ giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn, công chức tư pháp ghi và cùng hai bên ký vào sổ hộ tịch, nam, nữ ký vào giấy đăng ký kết hôn.
Có thể thấy, ngay sau khi hai bên nam, nữ cùng ký tên vào Giấy đăng ký kết hôn, công chức tư pháp, hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã thì cũng đồng thời làm phát sinh hiệu lực của giấy đăng ký kết hôn.
Như vậy, giấy đăng ký kết hôn có hiệu lực ngay sau khi hai bên nam, nữ cùng ký tên vào giấy này.
Làm giấy đăng ký kết hôn cần những gì? Bao lâu thì có? (Ảnh minh họa)
3/ Điều kiện cấp giấy đăng ký kết hôn
Theo phân tích ở trên, giấy đăng ký kết hôn được cấp khi hai bên nam, nữ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định điều kiện để nam, nữ được đăng ký kết hôn gồm:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn: Kết hôn giả tạo, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn, Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc có chồng, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người trong phạm vi ba đời…
4/ Cần chuẩn bị gì để làm giấy đăng ký kết hôn?
Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, khi đăng ký kết hôn trong nước, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị:
– Tờ khai đăng ký kết hôn;
– Chứng minh nhân dân/hộ chiếu/Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và còn hạn sử dụng;
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
– Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.
5/ Cơ quan nào cấp giấy đăng ký kết hôn?
Thẩm quyền đăng ký kết hôn được nêu tại Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2015:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, nếu công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài… thì cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kết hôn là Ủy ban nhân dân cấp huyện – nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn (căn cứ Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014).
6/ Vợ chồng được cấp mấy bản giấy đăng ký kết hôn?
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 123//2015/NĐ-CP nêu rõ:
[…] công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký, ghi rõ họ tên trong Sổ hộ tịch, Giấy chứng nhận kết hôn; mỗi bên vợ, chồng được cấp 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Từ quy định này có thể thấy, mỗi bên vợ, chồng sẽ được cấp 01 bản chính giấy đăng ký kết hôn. Do đó, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp 02 bản giấy chứng nhận kết hôn cho mỗi người một bản.
7/ Thời gian cấp giấy đăng ký kết hôn là bao lâu?
* Kết hôn trong nước
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Hộ tịch, ngay sau khi nhận đủ giấy tờ quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn, sau khi hai bên nam, nữ cùng ký vào giấy chứng nhận kết hôn, công chức tư pháp, hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Nếu cần phải phải xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời gian giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
Như vậy, nếu đủ điều kiện thì thời gian cấp giấy đăng ký kết hôn là ngay sau khi nộp đủ hồ sơ; nếu phải xác minh thì thời hạn không quá 05 ngày làm việc.
* Kết hôn có yếu tố nước ngoài
Với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, khoản 2 Điều 38 Luật Hộ tịch năm 2015 quy định, trong thời hạn 15 ngay kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, công chức tư pháp hộ tịch xác minh, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.
Sau khi hai bên nam, nữ ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, hai bên nam, nữ cùng ký vào sổ hộ tịch, giấy chứng nhận kết hôn thì chủ tịch UBND cấp huyện trao giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Thủ tục làm giấy chứng nhận kết hôn thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)
8/ Làm đăng ký kết hôn hết bao nhiêu tiền?
Theo điểm b khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014, lệ phí hộ tích sẽ được miễn trong các trường hợp:
Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Như vậy, nếu kết hôn của công dân Việt Nam ở trong nước thì sẽ miễn lệ phí hộ tịch. Còn các trường hợp khác thì phải nộp lệ phí. Trong đó, lệ phí cụ thể sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào Thông tư số 85/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.
9/ Giấy kết hôn bị sai, đính chính thế nào?
Khi giấy đăng ký kết hôn bị sai, công dân phải thực hiện thủ tục cải chính, đính chính. Theo đó, thủ tục cụ thể được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch như sau:
– UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc UBND cấp huyện nơi người này cư trú (theo Điều 7 Luật Hộ tịch);
– Khi đi làm đính chính, công dân phải nộp tờ khai và giấy tờ liên quan đến việc thay đổi, cải chính giấy đăng ký kết hôn cho cơ quan đăng ký hộ tịch (theo khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch);
– Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu thấy việc đính chính là có cơ sở thì cán bộ tư pháp sẽ cùng người yêu cầu ký vào sổ hộ tịch và ghi nội dung cải chính vào giấy chứng nhận kết hôn. Nếu phải xác minh thêm thì thời gian giải quyết là không quá 06 ngày làm việc (Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch)…
10/ Xé đăng ký kết hôn bị phạt bao nhiêu?
Theo điểm a khoản 4 Điều 45 Nghị định 82, nếu xé giấy đăng ký kết hôn, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Đồng thời, giấy đăng ký kết hôn bị xé sẽ bị tịch thu.
Ngoài ra, giấy đăng ký kết hôn là một trong những giấy tờ quan trọng được dùng để nộp kèm đơn yêu cầu ly hôn hoặc khi muốn đăng ký khai sinh có cả tên cha và tên mẹ.
– Khi ly hôn: Nếu giấy kết hôn bị xé thì có thể sử dụng các giấy tờ thay thế sau: Bản sao chứng thực đăng ký kết hôn; Bản sao từ sổ gốc (trích lục) đăng ký kết hôn; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được đăng ký lại…
– Khi làm khai sinh cho con: Giấy đăng ký kết hôn của cha, mẹ là một trong các giấy tờ dùng để xuất trình khi thực hiện khai sinh cho con nếu cha, mẹ của bé là vợ chồng.
Khi đó, con khai sinh sẽ có đầy đủ tên cha và tên mẹ. Do đó, nếu bị xé giấy đăng ký kết hôn trước khi khai sinh cho con thì có thể đăng ký kết hôn lại hoặc xin cấp bản sao trích lục giấy khai sinh. Nếu không, trong trường hợp này, trẻ sẽ khai sinh theo diện không xác định được cha hoặc mẹ…
11/ Giấy đăng ký kết hôn bị mất có được xin cấp lại không?
Theo Điều 24 Nghị định 123/2015, nếu trước ngày 01/01/2016 đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nhưng cả sổ hộ tịch và bản chính đều mất thì sẽ được đăng ký kết hôn lại.
Khi đó, người yêu cầu phải nộp tờ khai, bản sao giấy đăng ký kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có thông tin liên quan dến nội dung đăng ký kết hôn.
Nếu thông tin đăng ký kết hôn vẫn còn lưu trong sổ hộ tịch thì có thể yêu cầu cấp bản sao trích lục. Khi đó, công dân có thể đến nơi mình đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch để xin tích lục chứng nhận kết hôn.
Trên đây là tổng hợp các quy định liên quan đến giấy đăng ký kết hôn. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.