Đặt tên con thế nào cho… đúng luật? Update 01/2025

Quyền có họ, tên là một trong những quyền nhân thân được Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận. Nhưng việc cha, mẹ đặt tên cho con như thế nào vẫn phải tuân theo một số quy định nhất định.

Cụ thể, Điều 26 của Bộ luật này quy định: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Dưới đây là một số quy định của pháp luật hiện hành về việc đặt tên cho con.

Đặt tên cho con thế nào cho… đúng luật?

Đặt tên con thế nào cho… đúng luật? (Ảnh minh họa)

1. Không được đặt tên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

Khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp nào thì được coi là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

2. Tên phải bằng tiếng Việt

Vẫn theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.

Quy định này mới được đưa vào Bộ luật Dân sự 2015, trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 không quy định về điều này. Do đó, trước khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, vẫn có rất nhiều người đặt tên cho con theo tên nước ngoài, như: Trịnh Thị Noel; Đỗ Phi Đen Castrô…

3. Không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ

Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 cũng chỉ rõ, những tên được đặt bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ như: Nguyễn Văn 1, Trịnh Thị @… sẽ không được chấp nhận.

Ngoài các trường hợp nêu trên, Bộ luật Dân sự không hạn chế độ dài của tên, tức cha mẹ có thể đặt tên con có một hoặc nhiều chữ.

Xem thêm: 

Luật Hộ tịch: 8 điểm nổi bật nhất năm 2018

Con khai sinh mang họ mẹ được không?

LuatVietnam