Ép rượu người khác, hậu quả thế nào? Update 01/2025

Theo quy định của pháp luật, không chỉ những người uống rượu bia bị xử lý mà ngay cả những người ép người khác uống rượu cũng sẽ bị lãnh những hậu quả nhất định.

Người uống gây thiệt hại, người ép phải bồi thường

Đây là một thông tin từ Bộ luật Dân sự 2015 nhưng không phải ai cũng biết. Theo đó, Điều 596 Bộ luật này quy định, khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

Từ quy định trên có thể thấy, hành vi cố ý ép người khác uống rượu, làm người đó mất khả năng nhận thức và gây ra thiệt hại thì người phải bồi thường chính là người ép người khác uống rượu.

Trong trường hợp khác, trường hợp không có ai ép buộc thì người uống rượu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu gây ra thiệt hại do say rượu mà mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi (Khoản 1 Điều 596).

Ép rượu người khác

Ép rượu người khác, hậu quả tự chịu (Ảnh minh họa)

Đề xuất cấm ép buộc người khác uống rượu, bia

Trong quá trình thảo luật về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất cấm ép buộc uống rượu, bia ở mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phần nhiều các quan điểm cho rằng, cấm ép buộc uống rượu, bia khó có thể đi vào thực tế, bởi văn hóa của người Việt lâu nay vẫn coi chén rượu, cốc bia như “miếng trầu mở đầu câu chuyện”.

Hiện nay, trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ quy định: Nghiêm cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia.

Dự thảo này đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 20/05/2019).

Xem thêm:

4 tin không vui với người thích “nhậu” ngày Tết

Lan Vũ