Kiện người cho vay lãi suất “cắt cổ” được không? Update 01/2025

Lãi suất là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm khi thực hiện việc vay tiền. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều người đi vay đang phải trả lãi suất “cắt cổ”. Vậy trong trường hợp này, người vay phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

 

Được phép cho vay với lãi suất bao nhiêu?

Lãi suất cho vay được quy định cụ thể tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, dù được thỏa thuận nhưng Bộ luật Dân sự đã giới hạn lãi suất tối đa là “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”.

Theo đó, lãi suất cho vay hàng tháng không được vượt quá 1,67%. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn đã nêu ở trên thì mức lãi suất vượt quá đấy sẽ không có hiệu lực.

Đồng thời, nếu hai bên chỉ có thỏa thuận về việc trả lãi mà không nêu cụ thể lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.

Đặc biệt, tại theo quy định Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, nếu cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất, thu lợi bất chính từ 30 – 100 triệu đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…

Căn cứ quy định trên, nếu lãi suất cho vay một tháng từ 8,33%/tháng trở lên thì sẽ bị coi là “cho vay nặng lãi”.

Xem thêm

Kiện người cho vay nặng lãi

Kiện người cho vay nặng lãi được không? (Ảnh minh họa)
 

Khi bị cho vay với lãi suất “cắt cổ”, phải làm thế nào?

Theo phân tích ở trên, nếu hai bên cho vay với số lãi vượt quá 20%/năm thì số lãi vượt quá đó sẽ không có hiệu lực. Đây cũng là quy định nêu tại Điều 9 Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực

Do đó, các bên có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên bố phần lãi suất vượt quá vô hiệu. Bởi theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu

Theo đó, để khởi kiện, người đi vay phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

Đơn khởi kiện;

– Bản sao hợp đồng vay tiền, giấy vay tiền…

– Bản sao chứng thực giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

– Các tài liệu, chứng cứ khác.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, người khởi kiện có thể nộp đến Tòa án có thẩm quyền thông qua cách nộp trực tiếp tại Tòa, gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Nói tóm lại, nếu vay tiền với lãi suất “cắt cổ”, người đi vay có thể khởi kiện người cho vay ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, cũng về chủ đề lãi suất vay tiền, quý độc giả có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây:

>> Tính lãi vay tiền như thế nào?