Phân biệt giám hộ và đại diện để tránh nhầm lẫn Update 01/2025

Khi thực hiện các giao dịch dân sự, nhiều người thường nhầm lẫn giữa giám hộ và đại diện và dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước được. Bởi vậy, việc phân biệt hai khái niệm này là vô cùng cần thiết.

Giám hộ và đại diện là hai khái niệm được nêu tại Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện đang có hiệu lực. Theo đó, giám hộ và đại diện có một số điểm giống nhau như:

– Đều được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015;

– Đều do cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện;

– Mục đích đều để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ hoặc đại diện.

Dưới đây là một số tiêu chí để phân biệt giám hộ và đại diện cụ thể:

STT

Tiêu chí

Giám hộ

Đại diện

1

Cơ sở pháp lý

Mục 4 Chương III Bộ luật Dân sự 2015

Chương IX Bộ luật Dân sự năm 2015

2

Định nghĩa

Là việc cá nhân, pháp nhân được quy định, được cử hoặc chỉ định chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ

Là việc cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích và nhân danh cá nhân, pháp nhân khác.

3

Mục đích

Chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ

Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện

4

Đối tượng

Người được giám hộ gồm:

– Người chưa thành niên

– Người mất năng lực hành vi dân sự

– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Người được đại diện gồm:

– Cá nhân khác

– Pháp nhân khác

5

Căn cứ xác lập

– Với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu;

– Phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

– Người giám hộ đương nhiên không đăng ký vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ

– Theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện;

– Theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

– Theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật

6

Chấm dứt quan hệ

– Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Người được giám hộ chết;

– Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

– Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.

1/ Đại diện theo ủy quyền:

– Theo thỏa thuận;

– Thời hạn ủy quyền đã hết;

– Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

– Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

– Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết;

– Người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

– Người đại diện không còn đủ điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện;

– Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

2/ Đại diện theo pháp luật

– Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

– Người được đại diện là cá nhân chết;

– Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

Căn cứ những tiêu chí nêu trên, có thể thấy, trong một số trường hợp người giám hộ đồng thời là người đại diện nhưng người đại diện chưa chắc là người giám hộ. Do đó, cần phải phân biệt giám hộ và đại diện để tránh nhầm lẫn xảy ra.

>> Dưới 18 tuổi thuê nhà nghỉ cần có người đại diện theo pháp luật?

Nguyễn Hương