Anh Nguyễn Quốc H. (Hà Nội) gửi đến câu hỏi: “Tôi là giám đốc Công ty H. Khi đi vay vốn tại Ngân hàng A, vợ chồng tôi muốn thế chấp tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ cho công ty H nhưng bị từ chối do giao dịch với chính mình. Vậy giao dịch dân sự với chính mình nên hiểu thế nào cho đúng?”
Giao dịch dân sự với chính mình là gì? (Ảnh minh họa)
LuatVietnam xin trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, thì một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhưng không được:
– Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình
– Với bên thứ ba khi mình cũng là người đại diện của người đó
Theo đó, trong trường hợp này, anh đang đại diện cho hai tư cách:
– Người đại diện cho công ty H
– Cá nhân anh – đồng sở hữu của tài sản thế chấp
Do đó, nếu trong cùng một hợp đồng anh thực hiện ký với hai tư cách thì đồng nghĩa với việc anh đang thực hiện giao dịch với chính mình. Lúc này, Hợp đồng thế chấp này sẽ bị tuyên vô hiệu do vi phạm Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 về việc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Cách giải quyết trong trường hợp này là anh có thể ủy quyền cho một người thứ ba khác trong công ty để đứng ra đại diện cho công ty ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản. Bởi Điều 137 Bộ luật Dân sự quy định, một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật.
Ngoài ra, anh có thể tham khảo thêm những trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.