Làm cách nào để tra cứu thông tin của doanh nghiệp đối tác? Update 01/2025

Việc đầu tiên trước ký kết các loại hợp đồng thương mại là phải kiểm tra thông tin của đối tác. Để phòng ngừa rủi ro pháp lý, LuatVietnam hướng dẫn cách để tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thông tin doanh nghiệp đối tác.

Tại sao doanh nghiệp nên tra cứu thông tin của doanh nghiệp đối tác?

Đối tác là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mối quan hệ với đối tác thường được ràng buộc bởi hợp đồng với các điều khoản trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng của các bên tham gia.

Đối tác có thể là các cá nhân kinh doanh độc lập, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.

Trước khi đặt bút ký kết hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp phải kiểm tra và nắm bắt thông tin về đối tác, đặc biệt là nhưng vấn đề về pháp lý.

Thông tin về pháp lý của một doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu lực giao dịch của doanh nghiệp đó với doanh nghiệp khác. Điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;”

Trong một số trường hợp, do không kiểm tra tình trạng pháp lý mà vẫn giao kết hợp đồng với đối tác dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu:

– Doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh, giải thể nhưng vẫn giao kết hợp đồng;

– Doanh nghiệp không đăng ký ngành, nghề nhưng lại hoạt động kinh doanh và giao kết hợp đồng có đối tượng liên quan đến ngành, nghề đó.

Những thông tin này có thể kiểm tra tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thông tin được công khai trên hệ thống này bao gồm:

– Tên doanh nghiệp (bao gồm tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt);

– Tình trạng hoạt động;

– Mã số doanh nghiệp;

– Ngày bắt đầu thành lập;

– Tên người đại diện theo pháp luật;

– Địa chỉ trụ sở chính;

– Ngành, nghề kinh doanh;

– Bố cáo điện tử.

Tra cứu giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đối tác

Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn

tra cuu thong tin cua doanh nghiep doi tacTra cứu giấy phép kinh doanh chỉ với 3 bước đơn giản (Ảnh minh họa)
 

Bước 2: Nhập mã số thuế/mã số doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp vào ô tìm kiếm ở góc trái trên cùng rồi click vào nút tìm kiếm

Bước 3: Sau khi ấn vào nút tìm kiếm, kết quả sẽ hiện ra chứa tên doanh nghiệp cần tìm.

Nếu tìm theo mã số thuế/mã số doanh nghiệp sẽ hiển thị kết quả chính xác doanh nghiệp cần tìm.

Trường hợp tìm theo tên, kết quả hiển thị ra sẽ là các doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống. Bạn click vào doanh nghiệp cần tìm để xem thông tin chi tiết.

Kết quả tra cứu giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp (Ảnh minh họa) 

Kết quả sẽ bao gồm các thông tin sau đây:

– Tên doanh nghiệp; Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài; Tên doanh nghiệp viết tắt;

– Tình trạng hoạt động;

– Mã số doanh nghiệp;

– Loại hình pháp lý;

– Ngày bắt đầu thành lập;

– Tên người đại diện theo pháp luật;

– Địa chỉ trụ sở chính;

– Ngành nghề kinh doanh teho Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Xem chi tiếtCách kiểm tra tên công ty tránh đặt trùng hoặc gây nhầm lần

Tra cứu thông tin đăng ký doanh nghiệp đã được công bố chưa?

Để kiểm tra xem nội dung đăng ký doanh nghiệp (bố cáo điện tử) đã được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hay chưa, Quý khách thực hiện như sau:

Bước 1: Tại Trang chủ của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp https://dangkykinhdoanh.gov.vn chọn mục Bố cáo điện tử

Kiểm tra nội dung đăng ký doanh nghiệp đã được công bố chưa? (Ảnh minh họa)

Bước 2: Tại phần Chức năng chọn Tìm bố cáo điện tử

Bước 3: Tại đây sẽ có bộ lọc tìm kiếm bố cáo điện tử hiện ra, điền các thông tin gồm:

– Ngày đăng: Khoảng thời gian bạn đăng bố cáo (có thể ước lượng)

– Loại công bố: Tùy thuộc vào loại bố cáo đã đăng (đăng ký mới, đăng ký thay đổi, giải thể, loại khác, mẫu dấu, thông báo thay đổi, vi phạm/thu hồi).

Trường hợp vừa mới hoàn thành thủ tục thành lập công ty, chọn loại bố cáo “Đăng ký mới”.

– Tỉnh thành phố nơi đặt trụ sở chính: Địa chỉ trụ sở doanh nghiệp (Khu vực)

– Mã số doanh nghiệp: Chính là mã số của doanh nghiệp nếu đã điền tên doanh nghiệp thì có thể bỏ qua

– Tên doanh nghiệp: Tên đầy đủ của doanh nghiệp (nếu đã điền mã số doanh nghiệp thì có thể bỏ qua)

– Tên tài khoản: Có thể bỏ qua

– Mã số nội bộ hệ thống: Có thể bỏ qua

Bước 4: Click vào nút Tìm kiếm

Bước 5: Mở file PDF để kiểm tra nội dung đăng ký doanh nghiệp đã được đăng bố cáo xem có chính xác không.

Như vậy, việc tra cứu thông tin doanh nghiệp đối tác là vô cùng cần thiết để tránh trường hợp hợp đồng giao kết với những doanh nghiệp này bị vô hiệu. Nếu có vướng mắc trong việc tra cứu thông tin đăng ký doanh nghiệp, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Người dân có thể tra cứu những thông tin gì của doanh nghiệp?