Có được đăng ký nhãn hiệu tên người nổi tiếng không? Update 01/2025

Nhãn hiệu chứa các yếu tố nổi bật, phổ biến về tên gọi, hình ảnh sẽ được người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đăng ký nhãn hiệu tên người nổi tiếng, tuy nhiên liệu những nhãn hiệu này có thực sự được cấp văn bằng bảo hộ.

Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ

Căn cứ Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu được bảo hộ phải đáp ứng được các điều kiện sau:

Điều kiện 1: Là dấu hiệu nhìn thấy được.

Điều kiện 2: Có khả năng phân biệt.

Bên cạnh đó, Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.

2. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.

3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.

Xem chi tiết: Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu: 18 trường hợp bị từ chối bảo hộ

Đăng ký nhãn hiệu tên người nổi tiếng (Ảnh minh hoạ)
 

Có được đăng ký nhãn hiệu tên người nổi tiếng

Khái niệm “người nổi tiếng” không được pháp luật sở hữu trí tuệ quy định cụ thể.

Thông thường, người nổi tiếng được hiểu là cá nhân, tổ chức hay một nhóm được công chúng biết đến và thừa nhận rộng rãi trong một hoặc một số lĩnh vực hoạt động. Người nổi tiếng ở đây có thể kể đến ca sĩ, diễn viên, hoa hậu, người mẫu, nhà phát minh, doanh nhân ….

Tên của người nổi tiếng bao gồm tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của người, tổ chức, nhóm đó.

Người nổi tiếng bao gồm cả lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài theo Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Ví dụ: Lê – nin, Obama, Trần Hưng Đạo…

1. Đăng ký nhãn hiệu của người nổi tiếng là lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, của Việt Nam, nước ngoài

Việc xác định như thế nào là lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân cũng không được quy định chi tiết. Vì vậy, khi cá nhân nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xác định rõ dấu hiệu này bằng thông tin thực tế và sẽ quyết định có cấp văn bằng cho cá nhân, tổ chức hay không.

Tuy nhiên, hầu như tất cả những dấu hiệu của nhãn hiệu có liên quan đến lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài đều bị từ chối bảo hộ.

2. Đăng ký tên nhãn hiệu của người nổi tiếng khác

Những người nổi tiếng khác ở đây không bao gồm các lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam và nước ngoài.

Ví dụ: Tên của các danh ca, nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá…

Việc đăng ký tên nhãn hiệu có tên của các nhân vật này có thể được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ bởi vì không vi phạm khoản 3 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Tuy nhiên khoản 5 Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Điều 73. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

5. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.”

Trường hợp cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tên người nổi tiếng có thể làm cho người tiêu dùng nghĩ rằng nhãn hiệu đó do người nổi tiếng đó cung cấp hay thuộc sở hữu của họ mà thực tế lại không phải như vậy. Từ đó việc đăng ký nên người nổi tiếng có thể bị coi là có yếu tố gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng

Đối với thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tên người nổi tiếng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ yêu cầu người nộp đơn chứng minh được việc đăng ký tên người nổi tiếng đã được chính người đó đồng ý và cho phép hoặc chứng minh việc sử dụng tên này không ảnh hưởng đến người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, uy tín, danh dự của những người nổi tiếng đó.

Trường hợp người nổi tiếng tự nộp đơn để đăng ký nhãn chính tên của mình thì không cần phải chứng minh theo quy định như trên.

Như vậy, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể đăng ký nhãn hiệu tên người nổi tiếng nếu người đó không phải là lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.

Nếu có thắc mắc về việc đăng ký nhãn hiệu tên người nổi tiếng, độc giả vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu: 4 lỗi cơ bản thường gặp