Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính không dễ để thực hiện. Giải thể doanh nghiệp sẽ gắn liền với việc thanh toán các khoản nợ. Dưới đây là những quy định cần biết mà LuatVietnam lưu ý khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục này.
Giải thể doanh nghiệp là gì?
Giải thể chỉ sự không còn hoặc làm cho không còn đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể, một tổ chức nữa. Theo đó, giải thể doanh nghiệp được hiểu là việc chấm dứt tư cách pháp nhân và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp.
Khoản 6 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về tình trạng của doanh nghiệp đã giải thể “là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp”.
Khi thực hiện xong thủ tục giải thể doanh nghiệp, tình trạng này sẽ được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khi nào được giải thể doanh nghiệp?
Theo Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, có 04 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, bao gồm:
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Theo đó, doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp theo hai hình thức chính:
– Giải thể tự nguyện;
– Giải thể bắt buộc (Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)
Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được phép giải thể. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
Cụ thể, doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi đối với những người có liên quan, bao gồm: người lao động, chủ nợ, đối tác kinh doanh, cơ quan nhà nước …
Xem chi tiết: Công ty chưa trả hết nợ có được giải thể không?
Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp
1. Chuẩn bị hồ sơ
– Thông báo giải thể doanh nghiệp
– Nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc giải thể doanh nghiệp;
– Phương án giải quyết nợ (nếu có).
2. Nơi nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp nộp đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
3. Trình tự thực hiện
* Đối với trường hợp giải thể tự nguyện
Bước 1: Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp và tổ chức thanh lý tài sản;
Bước 2: Công bố giải thể doanh nghiệp;
Nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp trong thời hạn 07 ngày từ ngày thông qua.
Bước 3: Thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
Bước 4: Gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ.
* Đối với trường hợp giải thể bắt buộc
Bước 1: Cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Bước 2: Doanh nghiệp triệu tập họp để quyết định giải thể
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp phải triệu tập họp
Bước 3: Thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
Bước 4: Gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
4. Lệ phí giải quyết
Miễn lệ phí giải thể doanh nghiệp (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).
Phân biệt giải thể và phá sản doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp muốn giải thể nhưng không thể thanh toán được nợ, công ty không được giải thể mà có thể tiến hành thủ tục phá sản.
Theo đó, thủ tục giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp có những điểm khác biệt sau:
Tiêu chí |
Giải thể doanh nghiệp |
Phá sản doanh nghiệp |
Tính chất |
Là một thủ tục hành chính và được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 |
Là một thủ tục tư pháp và được thực hiện thep quy định Luật Phá sản 2014 |
Chủ thể ra quyết định |
Là quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp (đối với trường hợp giải thể tự nguyện) hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập doanh nghiệp quyết định (trường hợp giải thể bắt buộc) |
Do Tòa án quyết định |
Điều kiện giải thể |
Khi doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, các chủ nợ sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản nợ theo thứ tự pháp luật quy định. |
Không bắt buộc bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. |
Thái độ của Nhà nước đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp. |
Không bị Nhà nước hạn chế quyền tự do kinh doanh. |
Có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với chủ sở hữu hay người quản lý điều hành doanh nghiệp. |
Xem chi tiết: “Lao đao” vì Covid-19, doanh nghiệp chọn phá sản hay giải thể?
Như vậy, giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước. Nếu độc giả có thắc mắc về thủ tục giải thể doanh nghiệp vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.