Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh với quy mô nhỏ và số vốn không quá lớn thường sẽ thành lập hộ kinh doanh. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh khá đơn giản nhưng từ năm 2021 đã có một số thay đổi nhất định.
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh có gì mới?
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp đã có nhiều quy định mới về hộ kinh doanh từ 2021. Theo đó, thủ tục thành lập hộ kinh đã có một số thay đổi nhất định mà các cá nhân, tổ chức cần biết, cụ thể:
1. Thêm một trường hợp không được đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP là:
“Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;”
2. Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Theo đó, trong trường hợp các thành viên đăng ký hộ gia đình đăng ký kinh doanh thì phải có bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình.
Xem thêm: 7 quy định mới từ năm 2021 liên quan đến mọi hộ kinh doanh
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh (Ảnh minh hoạ)
Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh
Căn cứ khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
* Thành phần hồ sơ
STT |
Loại hồ sơ |
1 |
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh |
2 |
Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh |
3 |
Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh |
4 |
Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh |
5 |
Văn bản uỷ quyền kèm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người nhận uỷ quyền thự hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh |
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Trình tự, thủ tục thành lập hộ kinh doanh
Bước 1: Nộp hồ sơ
Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:
– Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch.
– Nộp hồ sơ qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ và trao giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho người thành lập hộ kinh doanh.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Bước 3: Nhận kết quả
Hộ kinh doanh căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy biên nhận hồ sơ đến nhận kết quả.
* Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc.
Lưu ý: Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
* Lệ phí giải quyết: Do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.
Như vậy, thủ tục thành lập hộ kinh doanh vẫn được thực hiện ở UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở. Tuy nhiên, từ năm 2021, hộ kinh doanh đã có thể tổ chức kinh doanh ở nhiều địa điểm khác.