Sự khác nhau giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả Update 01/2025

Trong một số trường hợp, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không cùng là một cá nhân, tổ chức. Khi đó, hai chủ sở thể này sẽ được hưởng các quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn khác nhau.

Khái niệm về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả

Theo khoản 1 Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ 2005, tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Như vậy, tác giả (người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm) và chủ sở hữu quyền tác giả là những cá nhân, tổ chức được bảo hộ quyền quyền tác giả. Trong đó:

– Tác giả: Là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

– Chủ sở hữu quyền tác giả: Là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả (Ảnh minh hoạ)
 

Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

 Tiêu chí

Tác giả

Chủ sở hữu

Quyền được hưởng

Nắm giữ các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

– Đặt tên cho tác phẩm;

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Nắm giữ một hoặc một số quyền tài sản tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bao gồm:

Làm tác phẩm phái sinh;

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

– Sao chép tác phẩm;

– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Phân loại

Phải là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Trường hợp tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.

 

Có thể không phải là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những trường hợp sau:

– Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền;

– Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Như vậy: Tác giả đích thị là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nhưng chủ sở hữu quyền tác giả chưa chắc đã là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Chủ sở hữu có thể là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả, người thừa kế của tác giả…

Tóm lại, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là những đối tượng được hưởng quyền tác giả. Chỉ khi chủ sở hữu chính là tác giả thì cá nhân, tổ chức này mới được hưởng đầy đủ quyền nhân thân và quyền tài sản của một tác phẩm.

>> Quyền tác giả là gì? Nội dung bảo hộ quyền tác giả