3 bước chuyển hộ kinh doanh thành công ty TNHH 1 thành viên 2021 Update 01/2025

Hộ kinh doanh không được coi là một loại hình doanh nghiệp. Thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành công ty TNHH 1 thành viên được xem như việc đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới.

 

Hồ sơ chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên

* Thành phần hồ sơ:

1. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế.

3. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu.

4. Dự thảo điều lệ công ty (phải có họ, tên và chữ ký của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức).

5. Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đối với cá nhân là chủ sở hữu; của người đại diện theo ủy quyền nếu công ty tổ chức quản lý theo mô hình Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên của tổ chức là chủ sở hữu;

Trường hợp công ty tổ chức quản lý theo mô hình Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên, hồ sơ gồm danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của từng đại diện theo ủy quyền.

6. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

– Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước).

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại pháp luật đầu tư.

7. Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (đối với doanh nghiệp xã hội).

8. Bản sao hợp lệ giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp thành lập tổ chức tín dụng.

9. Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.

Lưu ý: Trường hợp không phải chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp văn bản uỷ quyền kèm bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:

– Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Các văn bản này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Chuyển hộ kinh doanh thành công ty TNHH một thành viênChuyển hộ kinh doanh thành công ty TNHH 1 thành viên (Ảnh minh hoạ)
 

Xem thêm: Chuyển hộ kinh doanh thành công ty cổ phần thực hiện thế nào?

Trình tự chuyển công ty TNHH 1 thành viên từ hộ kinh doanh

Căn cứ Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, thủ tục thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh được thực hiện theo 03 bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

Khi nhận kết quả, người đại diện theo pháp luật mang giấy biên nhận giải quyết hồ sơ; nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thì người được ủy quyền phải mang văn bản ủy quyền và nộp bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ sau:

– Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

* Thời hạn giải quyết:

– 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

* Lệ phí giải quyết: Miễn lệ phí

Như vậy, sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành công ty TNHH 1 thành viên, chủ hộ kinh doanh có thể là chủ sở hữu của công ty.

Nếu có vướng mắc khi thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký hộ kinh doanh hoặc các vấn đề pháp lý doanh nghiệp khác, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Năm 2021, chuyển hộ kinh doanh thành công ty cổ phần thế nào?