Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó (khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009).
Ví dụ: Hình dáng bên ngoài của chiếc xe ôtô, xe máy hoặc hình dáng thể hiện của bao bì của một sản phẩm sẽ được gọi là kiểu dáng công nghiệp.
Theo đó, kiểu dáng công nghiệp tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp. Vì thế việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sản phẩm sẽ giúp bảo vệ cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp trước hành vi sử dụng trái phép từ phía những người khác, đem lại lợi nhuận về kinh tế cho chủ sở từ việc độc quyền khai thác thương mại đối với sản phẩm mang kiểu dáng của mình.
Kiểu dáng công nghiệp là gì? Tại sao phải đăng ký bảo hộ? (Ảnh minh họa)
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành, nói cách khác đây chính là việc chủ sở hữu tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu sẽ được phép sử dụng kiểu dáng đó độc quyền tại Việt Nam trong thời gian tối đa là 15 năm (thời gian bảo hộ kiểu dáng là 5 năm và có thể tiến hành gia hạn thêm 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm – theo khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).
Văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp được gọi là “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp” được cấp cho chủ đơn đăng ký để ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp với chủ đơn đăng ký. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp sẽ gồm các nội dung cơ bản sau:
- Thông tin chủ sở hữu;
-
Thông tin ngày nộp đơn, ngày cấp văn bằng bao hộ;
-
Thông tin về kiểu dáng sản phẩm đăng ký;
-
Thông tin thời gian hiệu lực của văn bằng…
Tại sao phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Sở dĩ phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa xuất phát từ những lý do sau đây:
- Chỉ khi nộp đơn đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký, quyền đối với KDCN của chủ sở hữu mới được phát sinh;
-
Được độc quyền sử dụng kiểu dáng trong thời hạn 15 năm, do đó, tạo rất nhiều lợi thế cạnh tranh với bên khác;
-
Được pháp luật bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền đối với KDCN đã đăng ký;
-
Trong thời gian 15 năm độc quyền, chủ sở hữu có thể tiến hành chuyển nhượng, cho phép bên thứ 3 sử dụng trên cơ sở thu phí chuyển nhượng, sử dụng…vv. Do đó, sẽ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho chủ sở hữu.
>> Luật Sở hữu trí tuệ: 8 nội dung đáng chú ý nhất