Khi đăng ký doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí đăng ký, trường hợp đăng ký kinh doanh qua mạng có phải nộp lệ phí không?
3 trường hợp miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Đăng ký doanh nghiệp gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp… Theo đó, các trường hợp sau phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp:
– Cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các trường hợp thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
– Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
– Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do: Mất, cháy, rách, nát, thay đổi thông tin về đơn vị trực thuộc làm thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo mẫu cũ tại Luật Doanh nghiệp 2005.
Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh không phải nộp lệ phí trong mọi trường hợp mà được miễn phí, lệ phí trong 3 trường hợp sau:
– Đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử;
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu
– Doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp;
Căn cứ: Điều 5 Thông tư 215/2016/TT-BTC sửa đổi tại Thông tư 310/2017/TT-BTC.
Như vậy, khi đăng ký kinh doanh qua mạng sẽ không phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp (mức phí này hiện nay dao động từ 50.000 – 100.000 đồng tùy loại dịch vụ).
Tham khảo thông tin lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể giảm còn 50.000 đồng/lần tại đây.
Miễn phí khi đăng ký kinh doanh qua mạng (Ảnh minh họa)
Thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng mới nhất
Để đăng ký kinh doanh online, cá nhân, tổ chức phải có tài khoản đăng ký kinh doanh tại Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, cụ thể:
Bước 1: Truy cập Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại địa chỉ:
https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/auth/Public/LogOn.aspx?ReturnUrl=%2fonline%2fdefault.aspx
Bước 2: Người đại diện theo pháp luật khai thông tin, tải file PDF của các giấy tờ chứng thực cá nhân lên hệ thống để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh
Bước 3: Sử dụng tài khoản đã được cấp để kê khai thông tin, nộp hồ sơ điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy trình trên Hệ thống
Bước 4: Sau khi gửi hồ sơ đăng ký sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử
Bước 5: Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét, gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp:
– Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ: Yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
– Hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 6: Sau khi nhận được thông báo, người đại diện theo pháp luật nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đến phòng đăng ký kinh doanh để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
>> Đăng ký kinh doanh 2019: 12 thay đổi nhất định phải biết
Hậu Nguyễn