Có nhiều công ty chưa trả hết nợ cho đối tác, khách hàng đã tiến hành giải thể nhằm trốn tránh trách nhiệm. Vậy pháp luật có cho phép những công ty này giải thể không?
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau theo khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014:
1- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp;
2- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
3- Không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
4- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, có thể chia giải thể doanh nghiệp thành 02 loại là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.
Công ty chưa trả hết nợ có được giải thể không? (Ảnh minh họa)
Chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ
Một trong những vấn đề quan trọng đóng vai trò then chốt trong giải thể doanh nghiệp là khả năng thanh toán nợ của công ty đó.
Do vậy, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài (khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13).
Để giải thể, doanh nghiệp bắt buộc phải chuẩn bị hồ sơ trong đó có danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:
– Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
– Nợ thuế;
– Các khoản nợ khác.
Như vậy, dù là giải thể tự nguyện hay bắt buộc, doanh nghiệp phải đảm bảo đã thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác.
>> Hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Hậu Nguyễn