Chính phủ vừa ban hành Nghị định 62/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Nghị định này có một số điểm đáng chú ý như sau:
1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
Theo Điều 5 Nghị định 62, giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, gồm:
(Phần in nghiêng là quy định mới)
– Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
– Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
– Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
– Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
– Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở; (không quy định “cứng” giấy tờ này phải công chứng hoặc chứng thực như trước);
– Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
– Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
– Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
– Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm (không còn yêu cầu có địa chỉ bến gốc của phương tiện);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở (không yêu cầu “cứng” các văn bản này phải có công chứng, chứng thực);
– Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
2. Thay đổi một số giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân
– Chứng minh quan hệ vợ, chồng: Bổ sung giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Bãi bỏ sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu;
– Chứng minh quan hệ cha, mẹ con: Bổ sung hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế và cơ quan giám định, cơ quan có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con; bãi bỏ sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu;
– Chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột: Bãi bỏ sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu…
Điểm mới của Nghị định 62 hướng dẫn Luật Cư trú 2020 (Ảnh minh họa)
3. Thay đổi thủ tục, thời gian xóa đăng ký thường trú
Theo Điều 7 Nghị định 62, trong thời hạn 07 ngày (trước đây là 60 ngày) kể từ ngày hộ gia đình có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì người thuộc diện xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú.
Hồ sơ xóa đăng ký thường trú gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký thường trú.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký thường trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú thực hiện việc xóa đăng ký thường trú đối với công dân khi phát hiện công dân đó thuộc một trong các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú. Trước khi xóa đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú thông báo về việc xóa đăng ký thường trú tới công dân hoặc đại diện hộ gia đình để biết và thực hiện việc nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
Trường hợp quá 07 ngày (trước đây là 60 ngày) kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú thông báo mà người thuộc diện xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình không nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành lập biên bản về việc công dân, đại diện hộ gia đình không nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú và thực hiện xóa đăng ký thường trú đối với công dân.
4. Hướng dẫn xóa đăng ký tạm trú
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hộ gia đình có người thuộc diện xóa đăng ký tạm trú thì người thuộc diện xóa đăng ký tạm trú hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú.
Hồ sơ xóa đăng ký tạm trú gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký tạm trú.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký tạm trú.
Cơ quan đăng ký cư trú thực hiện việc xóa đăng ký tạm trú đối với công dân khi phát hiện công dân đó thuộc một trong các trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú. Trước khi xóa đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú thông báo về việc xóa đăng ký tạm trú tới công dân hoặc đại diện hộ gia đình để biết và thực hiện việc nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú.
Trường hợp quá 07 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú thông báo mà người thuộc diện xóa đăng ký tạm trú hoặc đại diện hộ gia đình không nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành lập biên bản và thực hiện xóa đăng ký tạm trú.
Trước đây chưa có hướng dẫn về xóa đăng ký tạm trú
5. Hướng dẫn đăg ký cư trú cho người không có thường trú, tạm trú
Điều 4 Nghị định 62 yêu cầu người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai báo thông tin về cư trú, công dân phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện khai báo.
Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; trường hợp cần thiết, có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, xác minh và cung cấp thông tin.
Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin công dân đã khai báo là chưa chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh lại nếu thấy cần thiết. Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.
Trên đây là một số điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 62. Từ ngày 01/7/2021, Nghị định này có hiệu lực song song với Luật Cư trú mới. Nếu còn điều gì thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hõ trợ nhanh nhất.
>> Những điểm mới của Luật Cư trú ảnh hưởng đến mọi người dân