Hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Toàn bộ quyền lợi và thủ tục nhận Update 11/2024

Bảo hiểm thất nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp khi tham gia, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ và tận dụng được hết những quyền lợi này. Dưới đây LuatVietnam sẽ tổng hợp toàn bộ quyền lợi được hưởng của người tham gia.

1. Trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013, trợ cấp thất nghiệp được cơ quan BHXH chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng.

* Điều kiện hưởng trợ cấp:

Để nhận loại trợ cấp này, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 47 Luật Việc làm:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…

Xem thêm…

* Mức hưởng trợ cấp:

Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm 2013, người lao động đủ điều kiện sẽ được trả trợ cấp thất nghiệp theo mức sau:

Mức hưởng hàng tháng

=

Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

x

60%

Trong đó: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 – 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Xem thêm…

* Thủ tục hưởng:

– Hồ sơ gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

Xem thêm: Hướng dẫn về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

– Nơi nộp: Trung tâm dịch vụ việc làm tại bất cứ địa phương nào mà người lao động muốn nhận.

– Thời hạn nộp hồ sơ: 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

– Thời hạn giải quyết:

+ Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, người lao động được gửi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp .

+ Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng: Được chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.

Xem thêm: Cách lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng, đơn giản 
 

huong bao hiem that nghiep

Hưởng bảo hiểm thất nghiệp với quyền lợi gì? (Ảnh minh họa)

2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Để được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, người lao động tiến hành như sau:

Bước 1: Ghi đầy đủ các thông tin cá nhân, nhu cầu tư vấn, nhu cầu giới thiệu việc làm vào phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm theo mẫu quy định

Bước 2: Nộp trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc

Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm và căn cứ vào nhu cầu, khả năng của người lao động, nhu cầu tuyển lao động của người sử dụng lao động để kết nối việc làm phù hợp với người lao động.

Bước 3: Nhận Phiếu giới thiệu việc làm từ trung tâm dịch vụ việc làm để tham gia dự tuyển lao động.

Căn cứ: Điều 5 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH

3. Hỗ trợ học nghề

* Điều kiện hưởng:

Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau:

1 – Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

2 – Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3 – Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư; chết,…

4 – Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

* Mức hưởng hỗ trợ học nghề:

– Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

– Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Căn cứ: Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg 

* Thủ tục nhận hỗ trợ:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

– Người lao động đang chờ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đang hưởng mà có nhu cầu học nghề tại địa phương nơi đang chờ kết quả hoặc đang hưởng: Chỉ cần chuẩn bị Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.

– Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng:

Hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.

+ Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu).

– Người lao động không thuộc hai trường hợp trên:

Hồ sơ gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

+ Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động…

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Nộp hồ sơ.

Người lao động nộp 01 bộ hồ sơ đã đề cập ở trên.

– Nơi nộp: Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang giải quyết hưởng TCTN hoặc nơi đang TCTN hoặc nơi có nhu cầu học nghề.

Bước 3: Nhận giấy hẹn trả kết quả.

Bước 4: Nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề theo giấy hẹn.

Trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả, nếu không đến hoặc ủy quyền cho người khác nhận quyết định về việc hỗ trợ học nghề và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hỗ trợ học nghề.

Căn cứ: Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP.

Xem thêm: Hỗ trợ học nghề: Toàn bộ quy định cần biết 

ho tro hoc nghe

Được hỗ trợ học nghề khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa)

4. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm

Khác với các quyền lợi trên, quyền lợi về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm được chi trả cho người sử dụng lao động.

* Điều kiện hưởng:

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi có đủ các điều kiện tại Điều 47 Luật Việc làm:

– Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;

– Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ;

– Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;

– Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Mức hỗ trợ:

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề:

Mức hỗ trợ tối đa = 01 triệu đồng/người/tháng

+ Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

+ Khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Căn cứ: Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

* Thủ tục nhận:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

– Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

– Phương án thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm.

– Giấy tờ chứng minh không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

– Văn bản xác nhận của tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ.

Nơi nộp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

Bước 3: Nhận Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trong 30 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Trường hợp không hỗ trợ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 4: Nhận tiền hỗ trợ.

Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, doanh nghiệp được tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ và thực hiện việc thanh quyết toán trên cơ sở thực tế của việc thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Căn cứ: Điều 26, Điều 27 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

Trên đây là những thông tin liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng

>> 4 cách tra cứu bảo hiểm thất nghiệp đơn giản mà ít ai biết

>> Làm ở thành phố, về quê nhận bảo hiểm thất nghiệp được không?