Thủ tục nhập hộ khẩu cho cháu tiến hành thế nào? Update 11/2024

Sau khi trẻ sinh ra, có thể vì nhiều lý do mà bố, mẹ không làm thủ tục nhập khẩu cho con mà con nhập hộ khẩu về ở với ông bà, cô, dì, chú, bác. Hiện nay, thủ tục nhập hộ khẩu cho cháu tiến hành thế nào?

Nhập hộ khẩu cho cháu về cùng ông bà

Câu hỏi: Chào Luật Việt Nam. Con trai tôi có cùng hộ khẩu với vợ chồng tôi, tôi là chủ hộ. Nay con tôi lấy vợ, vợ không nhập khẩu về cùng chồng. Nhưng khi con dâu sinh cháu, tôi muốn nhập hộ khẩu cho cháu về cùng ông bà nội. Vậy, tôi phải làm thế nào?

Luật Việt Nam xin trả lời bác như sau:

Trường hợp của bác muốn cháu nhập hộ khẩu về cùng ông bà nội và bố, được quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong trường hợp con về ở với cha.

Theo Điều 21, bác cần chuẩn bị những giấy tờ sau để nhập hộ khẩu cho bé:

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến của bác đồng ý cho bé đăng ký thường trú tại cùng hộ khẩu;

– Giấy khai sinh của trẻ để chứng minh quan hệ cha con với con trai của bác, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Hồ sơ này bác nộp lên Công an cấp xã nơi bác đang thường trú để được giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Công an có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của bé vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho bác về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
 

Câu hỏi: Chào luật sư. Tôi muốn hỏi, con trai tôi làm việc trong quân đội, có hộ khẩu tại đơn vị, vừa lấy vợ năm ngoái và đã có con. Con dâu vẫn giữ hộ khẩu ở nhà ngoại. Bây giờ, tôi muốn nhập hộ khẩu cho cháu nội về cùng hộ khẩu với tôi thì phải làm sao?

Chào bác. Theo Luật Cư trú 2020, nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ có thể nhập khẩu nếu về ở với ông bà nội.

Trường hợp này, bác cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

– Giấy tờ chứng minh quan hệ ông nội – cháu nội như giấy khai sinh của bé và của bố bé, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Hồ sơ này bác nộp lên Công an cấp xã nơi bác đang thường trú để được giải quyết trong 07 ngày làm việc.


Thủ tục nhập hộ khẩu cho cháu tiến hành thế nào? (Ảnh minh họa)
 

Nhập hộ khẩu cho cháu về cùng cô, dì, chú bác

Câu hỏi: Kính gửi Luật sư! Tôi là Khang, có hộ khẩu tại Quận Tân Bình – TP.HCM. Cháu tôi có hộ khẩu tại Hà Nội. Nay, tôi muốn nhập hộ khẩu cho cháu tôi vào hộ khẩu của tôi có được không? Rất mong được Luật sư hỗ trợ tư vấn. 

Chào bạn. Về trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ về tình trạng tuổi tác của cháu và quan hệ của cháu với bạn nên LuatVietnam chia trường hợp như sau:

– Cháu bạn chưa thành niên:

+ Được bố mẹ đồng ý cho về ở với bác ruột, chú ruột, cậu ruột: Trường hợp này được nhập hộ khẩu về nhà người thân với điều kiện, thủ tục như hướng dẫn tại đây.

+ Chú, bác, cậu trong trường hợp này là họ hàng xa: Có thể nhập khẩu theo diện ở nhờ.

– Cháu đã thành niên: Được nhập hộ khẩu về nhà họ hàng dù là bác ruột, chú ruột, cậu ruột hay họ hàng xa đều nhập theo diện ở nhờ.

Trên đây là hướng dẫn thủ tục nhập hộ khẩu cho cháu. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.

>> Liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT