Thủ tục đình chỉ sinh hoạt Đảng viên thực hiện thế nào? Update 11/2024

Với việc ban hành Quy định số 22, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quy định cụ thể về việc đình chỉ sinh hoạt Đảng của Đảng viên. Vậy việc đình chỉ sinh hoạt Đảng được quy định thế nào?

Trường hợp bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Theo Điều 28 Quy định 22-QĐ/TW, các trường hợp bị đình chỉ sinh hoạt Đảng gồm:

– Khi Đảng viên vi phạm và phải đình chỉ sinh hoạt Đảng để ngăn chặn việc gây trở ngại cho công tác xem xét, kết luận của tổ chức Đảng có thẩm quyền.

– Đảng viên vi phạm và có hành vi làm cho vi phạm trở nên nghiêm trọng hơn.

– Đảng viên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp ủy và công tác kiểm tra của Đảng;

– Đảng viên bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định truy tố, tạm giam.

Như vậy, có 04 trường hợp Đảng viên sẽ bị đình chỉ sinh hoạt Đảng nêu trên.

 

Đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt tối đa trong bao lâu?

Thời hạn đình chỉ sinh hoạt Đảng được nêu cụ thể tại Điều 31 Quy định 22 là 90 ngày. Trường hợp phải gia hạn thì thời hạn đình chỉ kể cả gia hạn không quá 180 ngày.

Trong đó, với riêng Đảng viên bị truy tố, tạm giam thì thời hạn đình chỉ sinh hoạt Đảng được tính theo thời hạn quy định của pháp luật (kể cả gia hạn, nếu có).


Thủ tục đình chỉ sinh hoạt Đảng viên thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)

 

Thực hiện đình chỉ sinh hoạt Đảng thế nào?

Thẩm quyền

Việc đình chỉ sinh hoạt Đảng vien được quy định tại khoản 2 Điều 29 Quy định 22 như sau:

– Tổ chức Đảng quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng của Đảng viên là tổ chức Đảng có thẩm quyền khai trừ với Đảng viên đó.

– Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên được quyền quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng với Đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý (ở Trung ương là Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp khi bị tạm giam, truy tố.

Trình tự, thủ tục

Quy định 22 nêu rõ, thủ tục đình chỉ sinh hoạt Đảng với Đảng viên như sau:

Giai đoạn 1: Vụ việc đang điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Nếu Đảng viên thuộc hai trường hợp sau thì bên cạnh đình chỉ sinh hoạt Đảng còn có thể đình chỉ chức vụ trong Đảng mà Đảng viên đó đang đảm nhiệm:

  • Nhận thấy Đảng viên có dấu hiệu liên quan đến trách nhiệm cá nhân hoặc dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
  • Nếu để Đảng viên đương chức sẽ gây trở ngại cho việc xem xét, kết luận.

Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn hoặc cấp ủy quản lý Đảng viên đó chỉ đạo tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội quyết định đình chỉ chức vụ về chính quyền, đoàn thể theo thẩm quyền.

Giai đoạn 2: Sau khi kết thúc điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán

– Nếu Đảng viên đó vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định và xem xét, thi hành kỷ luật Đảng.

– Nếu Đảng viên đó không vi phạm hoặc vi phạm không đến mức cách chức thì khôi phục lại chức vụ đã đình chỉ hoặc bố trí công tác khác.

Ngoài ra, nếu Đảng viên bị đình chỉ chức vụ về chính quyền, đoàn thể thì Thủ trưởng hoặc cấp ủy, tổ chức Đảng trong cơ quan của Đảng viên đó phải thông báo cho Ủy ban kiểm tra cùng cấp để đề nghị xem xét, quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy hoặc chức vụ trong thời gian chậm nhất là 05 ngày.

Lưu ý: Trong thời gian bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, Đảng viên phải chấp hành nghiêm các yêu cầu của tổ chức Đảng có thẩm quyền về việc tường trình sự việc, tự kiểm điểm về những vi phạm, thực hiện các nhiệm vụ được giao…

Tuy vậy, Đảng viên cũng được đưa ra ý kiến của mình nhưng không được lấy danh nghĩa tổ chức Đảng hoặc cấp ủy viên, chức vụ đã bị đình chỉ để điều hành công việc.

 

Bị đình chỉ sinh hoạt Đảng có phải đóng Đảng phí không?

Theo khoản 4 Điều 2 Điều lệ Đảng, Đảng viên có nghĩa vụ sinh hoạt Đảng và đóng Đảng phí. Đặc biệt, nếu không đóng Đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng, Đảng viên có thể bị xóa tên trong danh sách Đảng viên theo khoản 1 Điều 8 Điều lệ Đảng.

Do đó, dù đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng nhưng chưa bị xóa tên thì vẫn là Đảng viên nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.

Như vậy, dù bị đình chỉ sinh hoạt Đảng nhưng Đảng viên vẫn phải nộp Đảng phí.


Đóng Đảng phí là nghĩa vụ của mọi Đảng viên (Ảnh minh họa)

 

Bị đình chỉ có được quay lại sinh hoạt Đảng?

Tổ chức Đảng phải xem xét, kết luận rõ nội dung vi phạm của Đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng để quyết định cho Đảng viên đó trở lại sinh hoạt và xem xét, xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức phù hợp khác.

Đồng thời, tổ chức Đảng có thẩm quyền cũng phải kịp thời chỉ đạo việc xem xét, xử lý kỷ luật về chính quyền, về đoàn thể. Nếu không thuộc thẩm quyền thì chỉ đạo hoặc kiến nghị các tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đặc biệt, trong trường hợp Đảng viên không còn bị tạm giam, không bị truy tố thì Thủ trưởng cơ quan pháp luật là Đảng viên hoặc tổ chức Đảng ở cơ quan pháp luật phải thông báo kịp thời trong thời gian 05 ngày bằng văn bản đến cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý Đảng viên để xem xét cho Đảng viên quay trở lại sinh hoạt Đảng.

Nếu hết thời hạn tạm giam hoặc không bị tạm giam nhưng vẫn bị truy tố, xét xử thì tổ chức Đảng chưa quyết định cho Đảng viên trở lại sinh hoạt Đảng, cấp ủy.

Như vậy, Đảng viên chỉ được xem xét quay trở lại sinh hoạt Đảng sau khi được tổ chức Đảng xem xét, kết luận rõ nội dung vi phạm của người này.

Trên đây là quy định về thủ tục đình chỉ sinh hoạt Đảng theo quy định mới nhất. Nếu còn thắc mắc các vấn đề khác liên quan đến Đảng viên, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192.

>> Các hình thức kỷ luật Đảng viên mới nhất đang áp dụng