Điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa Update 11/2024

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa chủ yếu được thực hiện khi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao. Qua đó, tạo động lực cho người dân khai thác tiềm năng và tăng thu nhập.

1. Yêu cầu, điều kiện khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải đáp ứng những yêu cầu, điều kiện nhất định nhằm bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả nhưng không sai mục đích sử dụng đất.

Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt 2018 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đáp ứng một số yêu cầu, điều kiện như sau:

– Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

– Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm (1,2 mét) so với mặt ruộng.

2. Hồ sơ, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Khoản 3 Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa như sau:

Bước 1: Gửi hồ sơ

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) theo Mẫu số 04.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu

– Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

– Nếu bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của UBND cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.

– Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người dân theo Mẫu số 05.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

chuyen doi co cau cay trong tren dat trong luaĐiều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa (Ảnh minh họa)
 

3. Mức xử phạt khi vi phạm

Điều 13 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đúng quy định như sau:

* Mức phạt tiền

– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa có đủ điều kiện theo quy định nhưng không đăng ký với UBND cấp xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;

+ Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

+ Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên.

– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vi phạm yêu cầu, điều kiện như tại mục 1 ở trên thì hình thức và mức xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;

+ Phạt tiền từ 04 – 08 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

+ Phạt tiền từ 08 – 15 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên.

Lưu ý: Mức xử phạt trên đây áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

* Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt 2018 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP).

– Buộc đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với UBND cấp xã đối với trường hợp đủ điều kiện.

Trên đây là toàn bộ quy định về điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và quy định về xử lý vi phạm hành chính nếu có vi phạm. Khi bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ với LuatVietnam qua tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp kịp thời.

>> Chuyển mục đích sử dụng đất: Hồ sơ, thủ tục và tiền phải nộp

>> Dồn điển đổi thửa: Điều kiện, hồ sơ và thủ tục thực hiện