Trong thời gian thử việc, lao động thử việc có được hưởng đầy đủ quyền lợi như lao động chính thức? Đơn cử như việc có được nghỉ phép năm?
Người lao động phải thử việc bao lâu?
Thử việc là khoảng thời gian thử thách quan trọng, góp phần quyết định sự hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động không thể tùy ý áp đặt thời gian thử cho người lao động.
Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chỉ phải thử việc trong:
– Không quá 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp;
– Không quá 60 ngày: Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
– Không quá 30 ngày: Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
– Không quá 06 ngày làm việc: Công việc khác.
Lưu ý: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì không phải thử việc (khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019).
Thời gian thử việc có được nghỉ phép năm? (Ảnh minh họa)
Thời gian nghỉ phép năm của người lao động
Phụ thuộc vào thời gian làm việc và điều kiện làm việc mà mỗi người lao động sẽ có thời gian nghỉ phép năm khác nhau.
* Đối với người làm đủ 12 tháng trở lên:
– 12 ngày: Làm việc trong điều kiện bình thường;
– 14 ngày: Người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– 16 ngày: Làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, người có thâm niên làm việc cứ 05 năm được thêm 01 ngày nghỉ phép.
Thời gian nghỉ này được tính vào ngày làm việc bình thường trong tuần.
(Điều 113 Bộ luật Lao động 2019)
* Đối với người làm dưới 12 tháng:
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Cụ thể:
Số ngày nghỉ |
= |
(Số ngày nghỉ hằng năm : 12) |
x |
Số tháng làm việc thực tế |
Căn cứ: Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Xem thêm: 3 điểm mới về nghỉ phép theo Nghị định 145/2020
Thử việc có được nghỉ phép năm?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian thử việc được tính để hưởng phép nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
Do đó, nếu người lao động tiếp tục làm việc sau thời gian thử việc thì thời gian thử việc đó đương nhiên được coi là thời gian để tính ngày nghỉ phép năm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, pháp luật hiện hành lại chưa có một quy định nào cụ thể về việc người lao động thử việc sau đó không làm việc nữa thì thời gian thử việc có tính ngày nghỉ phép năm hay không.
Vì vậy, trong thời gian thử việc, người lao động có được nghỉ phép năm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc nội quy, quy chế của người sử dụng lao động. Theo đó:
– Trường hợp 1: Nếu hợp đồng thử việc hoặc người sử dụng lao động quy định “không giải quyết phép năm trong thời gian thử việc” thì người lao động không được nghỉ phép trong thời gian này.
– Trường hợp 2: Nếu người sử dụng lao động không có quy định nào về vấn đề này thì người lao động có thể thỏa thuận để được nghỉ phép trong thời gian này.
Trên đây là giải đáp của LuatVietnam về vấn đề thời gian thử việc có được nghỉ phép năm hay không. Người lao động nên quan tâm để đảm bảo quyền lợi cho mình. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.