Siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi đang là lựa chọn kinh doanh phổ biến nhưng không phải ai cũng biết các thủ tục thực hiện. Đặc biệt, nếu kinh doanh dưới dạng chuỗi cửa hàng thì cần phải đáp ứng nhiều điều kiện.
Điều kiện mở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi
Siệu thị mini và cửa hàng tiện lợi đều là những cơ sở bán lẻ hàng hoá. Siêu thị mini có quy mô lớn hơn, cung cấp các mặt háng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng…Còn cửa hàng tiện lợi cung cấp những mặt hàng, đồ dùng tiện lợi, những loại thực phẩm có thể sử dụng ngay.
Tuy nhiên, cả hai loại hình này đều có điểm chung là phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Nhưng với quy mô kinh doanh dưới dạng các chuỗi cửa hàng thì việc mở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hầu như đều đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện về giấy phép con để hoạt động trong chuỗi của mình. Các loại giấy phép cần phải có bao gồm:
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy;
– Giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu;
– Giấy phép bán lẻ thuốc lá.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh cần phải đảm bảo cơ sở vật chất như: có đủ diện tích mặt bằng, có trang thiết bị bán hàng; có nguồn cung cấp hàng hoá từ các cá nhân, tổ chức khác; có kho chức hàng…
Đăng ký thành lập doanh nghiệp
1. Lựa chọn ngành, nghề kinh doanh
Ngành, nghề của doanh nghiệp kinh doanh chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lựa chọn căn cứ theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, bao gồm một số ngành, nghề cơ bản sau:
– Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp (4711);
– Bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp (4719);
– Bán lẻ sản phẩm thuốc lá, thuốc lào trong các cửa hàng chuyên doanh (4724)…
2. Nơi nộp hồ sơ
Có 02 cách thức nộp hồ sơ:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
– Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).
3. Thời gian giải quyết
03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
4. Lệ phí giải quyết
– 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC);
– Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.
Thủ tục mở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi (Ảnh minh hoạ)
Xin các loại giấy phép con
1. Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Điều 11, 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ một số trường hợp như: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; Sơ chế nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Nhà hàng trong khách sạn;
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư 43/2018/TT-BCT, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Công Thương. Trong thời hạn 15 ngày từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì Sở Công Thương phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Xem chi tiết: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
2. Xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy
Theo Phụ lục I, II, IV Nghị định 79/2014/NĐ – CP, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi thuộc diện quản lý, xin cấp phép phòng cháy chữa cháy, cụ thể như sau:
– Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên: Thuộc diện phải thông báo vớ cơ quan phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.
– Chợ kiên cố cấp huyện trở lên; chợ khác, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên: Thuộc diện phải xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy.
Xem chi tiết: Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy
3. Xin giấy phép kinh doanh các mặt hàng đặc biệt
* Xin giấy phép kinh doanh rượu
– Nơi đăng ký: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng thuộc UBND cấp huyện.
– Thời gian cấp giấy: Sau 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ bộ hồ sơ
– Lệ phí: 200.000 đồng
– Hồ sơ cần chuẩn bị: Xem chi tiết tại đây
* Xin giấy phép kinh doanh thuốc lá
– Nơi đăng ký: Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế thuộc UBND cấp huyện)
– Thời gian cấp giấy: 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp kệ
– Lệ phí:
+ Tại khu vực thành phố trực thuộc trung ương và khu vực thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh: 1,2 triệu đồng
+ Tại các khu vực khác: 600.000 đồng
– Hồ sơ cần chuẩn bị: Xem chi tiết tại đây
Như vậy, trên đây là toàn bộ thủ tục để mở siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Nếu cần gỉai đáp chi tiết hoặc sử dụng dịch vụ thành lập loại cơ sở kinh doanh này, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.