Ly hôn cần những giấy tờ gì? Không có đủ thì sao? Update 11/2024

Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ, chồng theo quyết định, bản án của Tòa án. Vậy để được Tòa án chấp nhận thì cần phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gì để ly hôn?

Hiện nay, có hai hình thức ly hôn là ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Trong đó, theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình, hai hình thức ly hôn này có đặc điểm như sau:

– Ly hôn thuận tình: Đây là việc hai vợ chồng đã thỏa thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, những vấn đề khác như chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc… con cũng được hai vợ, chồng thỏa thuận thì Tòa sẽ công nhận thỏa thuận này. Nếu thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi của vợ, con thì Tòa sẽ giải quyết ly hôn (theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình).

– Ly hôn đơn phương (hay được quy định là ly hôn theo yêu cầu của một bên): Đây là trường hợp chỉ có một bên cảm thấy không thể sống chung với người còn lại, mục đích hôn nhân giữa hai người không đạt được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn (theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Trong đó, những lý do Tòa án sẽ chấp nhận cho vợ, chồng ly hôn là phải có căn cứ của việc bạo lực gia đình hoặc vợ, chồng có vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ…


Ly hôn cần những giấy tờ gì? (Ảnh minh họa)

Theo đó, vì tính chất, mục đích… của hai hình thức ly hôn này khác nhau nên hồ sơ để chuẩn bị trong mỗi trường hợp cũng không giống nhau. Cụ thể:

1/ Ly hôn thuận tình

Khi thực hiện thuận tình ly hôn, vợ, chồng sẽ phải sử dụng đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự. Trong đó, theo khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nội dung của đơn này phải gồm:

– Ngày, tháng, năm làm đơn.

– Tên Tòa án giải quyết việc ly hôn.

– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu; người có liên quan.

– Vấn đề cụ thể, lý do, mục đích, căn cứ của yêu cầu ly hôn.

– Chữ ký (điểm chỉ) của người yêu cầu.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ:

Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp

Do đó, vợ, chồng phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây để ly hôn thuận tình sau đây:

– Đơn ly hôn (theo mẫu – viết tay hoặc đánh máy hoặc mua tại Tòa án).

– Giấy đăng ký kết hôn (bản chính).

– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn của vợ và chồng và sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).

– Giấy khai sinh của tất cả những con chung (nếu có – bản sao có chứng thực).

– Giấy chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (nếu có – bản sao có chứng thực).

2/ Ly hôn đơn phương

Không giống ly hôn thuận tình là trường hợp vợ, chồng có thể thỏa thuận được, ly hôn đơn phương là yêu cầu của một bên mà trong nhiều trường hợp, người còn lại thậm chí còn gây khó khăn, cản trở ly hôn.

Do đó, trong trường hợp này, nếu muốn ly hôn thì vợ hoặc chồng phải sử dụng mẫu đơn khởi kiện về việc ly hôn.

Căn cứ khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đơn khởi kiện phải có các nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm làm đơn ly hôn đơn phương.

– Tên Tòa án nhận đơn ly hôn.

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu ly hôn, người bị yêu cầu ly hôn; người có quyền, lợi ích liên quan.

– Yêu cầu ly hôn đơn phương, những vấn đề xung quanh liên quan.

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Đồng thời, khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng nêu rõ:

Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Nếu vì lý do khách quan mà không có đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và có thể bổ sung, nộp sau theo yêu cầu của Tòa án.

Như vậy, để ly hôn đơn phương, vợ hoặc chồng cần phải chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây:

– Đơn ly hôn (theo mẫu – có thể viết tay, đánh máy hoặc mua tại Tòa).

– Giấy đăng ký kết hôn (bản chính).

– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn của vợ và chồng và sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).

– Giấy khai sinh của tất cả những con chung (nếu có – bản sao có chứng thực).

– Giấy chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (nếu có – bản sao có chứng thực).

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh yêu cầu ly hôn đơn phương là có căn cứ: Chứng cứ vợ/chồng ngoại tình, có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của vợ, chồng…

Lưu ý: Nếu thiếu một trong các giấy tờ trên thì có thể sử dụng giấy tờ sau đây để nộp thay:

– Giấy đăng ký kết hôn: Xin cấp bản sao đăng ký kết hôn hoặc đăng ký lại.

– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu: Nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế. Vì theo quy định chỉ cần nộp trong những giấy tờ nêu trên. Nếu không có thì có thể nộp giấy tờ tùy thân có ảnh chụp để thay thế…

Có thể thấy, sự khác nhau về hồ sơ cần nộp khi ly hôn thuận tình và ly hôn là mẫu đơn ly hôn, nội dung ghi trong đơn ly hôn và chứng cứ về việc hôn nhân trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Còn những giấy tờ liên quan về cơ bản đều giống nhau.

Trên đây là quy định về việc ly hôn cần những giấy tờ gì? Nếu còn thắc mắc các vấn đề khác về ly hôn, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?