Giấy phép xây dựng là gì? 10 nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng Update 11/2024

Nhiều trường hợp công trình phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công, nếu không có giấy phép này sẽ bị phạt tiền và có thể bị tháo dỡ. Vậy, giấy phép xây dựng là gì, không có giấy phép xây dựng sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

1. Giấy phép xây dựng là gì?

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý rất quan trọng đối với công trình phải có giấy phép trước khi khởi công, là cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí trong một số trường hợp sẽ quyết định số phận của công trình (bị tháo dỡ).

Giấy phép xây dựng được quy định rõ tại khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 như sau:

“Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.”.

Theo khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, giấy phép xây dựng gồm những loại sau:

– Giấy phép xây dựng mới;

– Giấy phép sửa chữa, cải tạo;

– Giấy phép di dời công trình;

– Giấy phép xây dựng có thời hạn (là giấy phép cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong một thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng).

2. Giấy phép xây dựng quy định những gì?

Là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư, trên giấy phép xây dựng gồm những nội dung chủ yếu quy định tại Điều 90 Luật Xây dựng 2014 như sau:

(1) Tên công trình thuộc dự án.

(2) Tên, địa chỉ của chủ đầu tư (riêng với trường hợp nhà ở riêng lẻ mà hộ gia đình, cá nhân tự xây hoặc thuê người khác xây thì chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân đó).

(3) Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình với công trình theo tuyến.

(4) Loại, cấp công trình xây dựng.

(5) Cốt xây dựng công trình.

(6) Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.

(7) Mật độ xây dựng (nếu có).

(8) Hệ số sử dụng đất (nếu có).

(9) Riêng với công trình dân dụng, nhà ở riêng lẻ, công trình công nghiệp, ngoài các nội dung quy định từ (1) đến (8) thì còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (còn gọi là tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tum, tầng kỹ thuật), chiều cao tối đa toàn công trình.

(10) Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

giay phep xay dung la gi

3. Trường hợp nào xây nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép?

Căn cứ khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp dưới đây được miễn giấy phép xây dựng khi khởi công:

– Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng mà thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn).

– Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Lưu ý: Dù thuộc trường hợp trên nhưng khi nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn vẫn phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công.

4. Mức phạt khi xây dựng nhà ở không có giấy phép

Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng như sau:

– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ mà không có giấy phép xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa tại khu vực nông thôn.

– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ mà không có giấy phép xây dựng tại khu vực đô thị.

Lưu ý: Khu vực đô thị gồm khu vực nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn (theo khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009). Khu vực nông thôn là khu vực còn lại.

Xem thêm: Xây nhà có giấy phép xây dựng bị xử lý thế nào?

5. Cách hợp thức hóa nhà ở không phép

Căn cứ khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng nếu chưa xây dựng xong thì người có hành vi vi phạm phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Như vậy, được phép hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép bằng cách đề nghị cấp giấy phép xây dựng, riêng trường hợp đã xây dựng xong thì không hợp thức hóa được.

Xem chi tiết: Cách hợp thức hóa nhà xây dựng sai phép, không phép

Trên đây là quy định giải đáp về việc: Giấy phép xây dựng là gì và những nội dung cơ bản liên quan đến giấy phép xây dựng. Nếu bạn đọc vướng mắc về vấn đề trên hoặc những vấn đề có liên quan hãy gọi ngay tới LuatVietnam qua tổng đài 1900.6192.

>> Xin giấy phép xây dựng: Hồ sơ, thủ tục và phí phải nộp