Trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nhiều người bị thất nghiệp hoặc nghỉ việc không lương. Vậy, khi người lao động đầu năm đã tạm nộp thuế nhưng cuối năm thất nghiệp có được hoàn thuế thu nhập cá nhân không?
1. Khi nào tạm nộp thuế thu nhập cá nhân?
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công nếu phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khai và tạm nộp thuế thu nhập cho người lao động của đơn vị mình, trừ trường hợp có thỏa thuận.
Căn cứ Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì mức giảm trừ gia cảnh áp dụng trong các tháng, quý và kỳ tính thuế 2021 đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Sau khi tính các khoản giảm trừ và các khoản thu nhập khác được miễn thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh khấu trừ thuế sẽ tạm nộp thuế thu nhập cá nhân (khai nộp theo tháng hoặc theo quý).
Ví dụ: Anh A có thu nhập mỗi tháng là 15 triệu đồng (đã tính các khoản được miễn, không tính thuế thu nhập theo quy định) và A không đăng ký người phụ thuộc. Khi đó A sẽ phải tạm nộp thuế theo quy định đối với khoản thu nhập tính thuế là 04 triệu đồng.
2. Cuối năm thất nghiệp vẫn được hoàn thuế?
Để trả lời cho câu hỏi này cần xem rõ những trường hợp được hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Số tiền thuế thu nhập cá nhân đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp.
Trường hợp 2: Cá nhân đã nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế.
Trường hợp 3: Các trường hợp khác theo quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, dù người lao động thất nghiệp và đầu năm người lao động này đã tạm nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng chỉ cần thuộc trường hợp trên sẽ thuộc trường hợp được hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Ví dụ: Thu nhập của anh B trong 06 tháng đầu năm 2021 là 120 triệu đồng (mỗi tháng là 20 triệu đồng) và anh B không có người phụ thuộc. 06 tháng đầu năm B đã tạm nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng 06 tháng cuối năm B bị mất việc làm vì dịch COVID-19.
Mặc dù mỗi tháng thu nhập 20 triệu đồng nhưng tổng thu nhập cả năm của B không cao hơn mức giảm trừ gia cảnh (không vượt quá 132 triệu/năm); khi đó B được hoàn thuế thu nhập cá nhân nếu có đề nghị.
3. Điều kiện được hoàn thuế thu nhập cá nhân
Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định việc hoàn thuế thu nhập cá nhân áp dụng với cá nhân đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán.
Ngoài điều kiện có mã số thuế thì phải có yêu cầu hoàn thuế, cụ thể:
– Trường hợp cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho nơi trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
– Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.
Tóm lại, nếu cá nhân thuộc trường hợp hoàn thuế và có đề nghị hoàn thì được hoàn thuế theo quy định, nếu không đề nghị hoàn sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế sau.
4. Trình tự, thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC, thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân được quy định như sau:
Trường hợp 1: Hoàn thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay cho cá nhân có ủy quyền quyết toán thuế
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập sau khi bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân đơn vị mình mà có số thuế nộp thừa, nếu đề nghị cơ quan thuế hoàn thuế thì thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
– Giấy đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân theo mẫu số 01/ĐNHT.
– Bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế thu nhập cá nhân và người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập ký cam kết chịu trách nhiệm tại bản chụp đó.
Bước 2: Nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hoàn thuế
Trường hợp 2: Cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương trực tiếp quyết toán thuế nếu có số thuế nộp thừa thì cá nhân không phải nộp hồ sơ mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [47] – “Số thuế hoàn trả vào tài khoản NNT” hoặc chỉ tiêu [49] – “Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau” tại tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 02/QTT-TNCN khi quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Lưu ý: Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
Kết luận: Đối với vướng mắc của nhiều người lao động là đầu năm nộp thuế nhưng cuối năm thất nghiệp có được hoàn thuế thu nhập cá nhân hay không thì trong trường hợp này sẽ được hoàn nếu thuộc trường hợp được hoàn thuế như quy định trên và có đề nghị hoàn thuế.
Nếu bạn đọc có vướng mắc hãy gọi ngay cho LuatVietnam qua tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.
>> Thuế thu nhập cá nhân: Cách tính thuế nhanh và chuẩn nhất